Ở Công ty Bảo Việt Đà Nẵng có chuyện lạ: Chung quanh Giám đốc Lê Kim Thái toàn người nhà của ông này nắm giữ những vị trí chủ chốt của công ty. Công ty này còn “đi đêm” với các garage, lấy 5% trên hóa đơn mà khách hàng của đơn vị này đến sửa xe…
Công ty gia đình
Bảo Việt Đà Nẵng hoạt động từ năm 1977 đến nay, hiện trụ sở đặt tại 97 Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Theo hồ sơ, dưới quyền ông Lê Kim Thái (Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty Bảo Việt Đà Nẵng) là hàng loạt người thân của ông.
Theo danh sách dài sọc 11 người mà chúng tôi có được thì vợ ông Thái là trưởng phòng Kinh doanh và bồi thường số 2; em dâu giữ chức trưởng phòng Kinh doanh và bồi thường số 1; em cô cậu với vợ ông Thái là trưởng phòng Giám định; em rể làm giám định viên; bảy người khác là cháu, người thân quen của ông làm chuyên viên, giám định viên của công ty.
Theo một nhân viên của công ty, khi ông Thái làm giám đốc, ông luân chuyển nhiều trưởng phòng nhưng những vị trí có thu nhập cao vẫn dành cho người thân đảm trách.
Vị trí trưởng phòng kinh doanh của vợ ông Thái có doanh thu lớn nhất công ty. Phòng của em dâu ông Thái cũng nằm trong tốp có doanh thu lớn của công ty. Bởi những khách hàng đem lại doanh thu lớn đều được phân bổ cho phòng thuộc quản lý của vợ và em dâu ông này nên thu nhập của họ cũng cao gấp nhiều lần những trưởng phòng khác.
Người em con cô cậu bên vợ ông Thái làm trưởng phòng giám định, đây là bộ phận quan trọng của công ty vì là đơn vị giám định tổn thất và lập dự toán bồi thường. Dưới quyền trưởng phòng giám định là em rể ông Thái và một người nhà khác làm giám định viên!
“Lãnh đạo, đảng viên trong công ty có đến hơn 50% là người nhà nên các cuộc bình bầu, biểu quyết lấy ý kiến…, người thân của ông Thái luôn chiếm tỉ lệ áp đảo” - vị nhân viên này nói.
Trụ sở Công ty Bảo Việt Đà Nẵng và một phiếu chi hoa hồng cho Bảo Việt Đà Nẵng. Ảnh: HẢI HIẾU |
Ông Lê Kim Thái, Giám đốc Công ty Bảo Việt Đà Nẵng |
Chưa hết, có người vi phạm nguyên tắc về tài chính của công ty nhưng không bị xử lý, còn được ông Thái đề bạt lên giữ chức cao hơn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thái thừa nhận những người trong danh sách mà PV cung cấp là người thân trong gia đình. Ông Thái lý giải: Vợ ông làm cho Công ty Bảo Việt từ tháng 1-1987, trước khi ông về công ty này một tháng. Đến năm 1991, hai người mới kết hôn và khi kết hôn thì cả hai vợ chồng làm nhân viên ở hai phòng khác nhau, còn người em dâu của ông làm việc ở đây từ năm 1996.
Sau này, khi ông Thái làm giám đốc thì trưởng phòng của vợ ông Thái lên làm phó giám đốc nên bà được lên chức trưởng phòng. Ông cũng cho rằng vợ và em dâu làm trưởng phòng thuộc phụ trách của hai phó giám đốc dưới quyền chứ ông không quản lý. “Hiện tôi phụ trách bảo hiểm hàng hải và đầu tư nước ngoài. Còn người thân của tôi làm bên phi hàng hải thì làm gì có cơ hội giới thiệu khách hàng tốt cho vợ như người ta tố cáo” - ông Thái nói.
Yêu cầu đối tác trích lại 5%
Theo hồ sơ, sau khi làm giám đốc được một năm (tức năm 2011 - PV), ông Thái chủ trương ép tất cả hãng xe lớn, garage có dịch vụ sửa chữa ô tô tai nạn của Bảo Việt Đà Nẵng phải ký hợp đồng sửa chữa và trích 5%-10% chi phí sửa chữa. Các garage muốn có hợp đồng sửa chữa với Bảo Việt Đà Nẵng phải chấp nhận yêu cầu này. Số tiền thu được từ khoản trích lại 5%-10% này không được đưa vào sổ sách và không đóng thuế. Theo tìm hiểu, số tiền trích lại 5% này từ năm 2011 đến 2017 ước tính hàng chục tỉ đồng và không biết đã đi đâu.
Các garage muốn bù đắp phần trích lại 5% nói trên buộc phải nâng giá dịch vụ.
Khi chúng tôi đề cập tới việc trích lại 5% này, ông Thái phủ nhận, nói: “Công ty nghiêm cấm việc yêu cầu trích lại này. Nếu có việc trích lại là do cấp dưới làm sai”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi trưng ra văn bản về phụ lục bổ sung của thỏa thuận hợp tác sửa chữa xe tai nạn về việc yêu cầu một garage trích lại 5% giá trị dịch vụ sửa chữa, thay thế vật tư cho khách hàng. Trong văn bản có chữ ký của phó giám đốc Công ty Bảo Việt Đà Nẵng thì ông Thái thừa nhận.
“Lúc đầu có chủ trương này để giảm chi phí cho công ty nhưng các garage, hãng xe không thanh toán. Sau đó, bên công ty hạn chế giới thiệu xe cho họ sửa chữa. Chỉ khi nào khách hàng được thanh toán bảo hiểm yêu cầu mới đưa xe vào” - ông Thái nói.
Ông Thái cho rằng chủ trương lúc đầu là có nhưng do sự cạnh tranh với 31 công ty bảo hiểm trên thị trường, nếu yêu cầu trích lại thì xe mất khách hàng nên bỏ chủ trương này.
Liên quan đến các dấu hiệu bất thường của Bảo Việt Đà Nẵng, chúng tôi liên lạc với đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, người này cho biết sẽ kiểm tra lại các thông tin mà báo đề cập và sẽ có trả lời sau.
Chúng tôi đã gặp ông PHH, giám đốc một công ty dịch vụ sửa chữa ô tô. Ông cho hay: Lúc trước công ty có ký hợp đồng với Bảo Việt và bị ép trích lại 5%. Tuy nhiên, sau đó không thỏa thuận được giá sửa chữa nên không chấp nhận thanh toán cho Bảo Việt. “Mình làm theo giá thị trường, không lời bao nhiêu, muốn trích ra 5% thì phải tăng giá sửa chữa lên nhưng Bảo Việt lại ép giá.
Mình không thể làm phụ tùng chất lượng thấp được, làm vậy mất khách nên tôi không đồng ý trích lại phần trăm này” - ông nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2017, Công ty DN có dịch vụ sửa chữa đã trích lại số tiền 5% này cho một người thân của ông Thái với số tiền là 65 triệu đồng.
Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM