Giáo dục

Bạo lực học đường: Càng chống càng nhức nhối

Nghị định 80 về chống bạo lực được áp dụng từ năm học này nhưng những vụ bạo lực học đường liên tiếp diễn ra, gây nhiều lo ngại

Tình trạng bạo lực học đường được kỳ vọng là sẽ hạn chế ở mức tối đa từ năm học 2017-2018 khi Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường chính thức có hiệu lực từ ngày 5-9. Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng.

Phụ huynh, học trò đánh nhau loạn xạ

Sáng 23-10, đang trong giờ ra chơi, Lý Hồng Ngọc, học sinh (HS) lớp 12A4 Trường THPT Tháng 10 (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), bất ngờ bị 2 đối tượng lao vào đánh tử vong.

Trước đó vài ngày, hình ảnh các nữ sinh lớp 7 Trường THCS Trường Yên (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) chửi bới, đánh hội đồng một nữ sinh khác ngay trên bục giảng của lớp cũng khiến dư luận bức xúc.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng và những giá trị sống cho học sinhẢnh: Hoàng Triều

Nghiêm trọng hơn là những vụ phụ huynh hành hung giáo viên (GV). Chỉ vì mâu thuẫn dẫn đến xô xát giữa 2 HS lớp 4 là em Q. và Đ. của Trường Tiểu học xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), phụ huynh của em Đ. đã đến trường đánh HS gây ra thương tích của con. Khi lực lượng công an có mặt để giải quyết vụ việc, phụ huynh này còn dùng tay đánh vào mặt thầy Trần Văn Phú, hiệu trưởng nhà trường, khiến thầy bị thương phải khâu 5 mũi ở vùng mặt.

Trước đó, tại Trường Tiểu học Đặng Cương (TP Hải Phòng), một số phụ huynh đã vào tận phòng học, lăng mạ, hành hung nữ GV trẻ trước mặt HS khiến GV này bị khủng hoảng, phải vào viện điều trị.

Cần chiến lược quốc gia

Nghị định 80 yêu cầu phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường. Các trường cũng phải đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, còn thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.

Các trường cũng phải công khai kế hoạch phòng chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường. Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường, thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Tuy nhiên, xem ra Nghị định 80 vẫn chưa "thấm" được vào các trường học. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ HS đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày.

Lý giải cho tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, cho rằng giáo dục kiến thức rất nhiều, nặng nề cho cả thầy cô và HS nên thời gian dành cho các bài học đạo đức, những giờ sinh hoạt lớp, sự quan tâm của thầy cô đối với HS đang ít đi.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay, tác động của xã hội làm cho bạo lực ngày càng gia tăng, người lớn sử dụng bạo lực với nhau rất dễ, hễ có mâu thuẫn là nảy sinh bạo lực, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến con cái. Ông cho rằng cần có một chiến lược quốc gia về tăng cường giáo dục trong gia đình chứ không chỉ nhắc tới giáo dục gia đình như một yếu tố phải phối hợp.

"Để giải quyết bạo lực học đường, các trường cần thay đổi cách giáo dục HS, phải dạy các em về giá trị và kỹ năng sống để khẳng định bản thân, đồng thời cho các HS trải nghiệm bằng thực tiễn. Ví dụ cho các em đi từ thiện nhiều thì lòng trắc ẩn, yêu thương sẽ cao hơn, dễ dàng tha thứ cho bạn bè, biết kiềm chế bản thân, không dễ dàng cho phép mình dùng vũ lực để giải quyết vấn đề" - TS Lâm nêu.

Tác giả: YẾN ANH

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP