Giáo dục

Bạo lực học đường: Lòng trắc ẩn bị… đánh rơi

Suốt tuần nay, clip học sinh nữ tại Hà Nội bị bạn học đánh “hội đồng” trong lớp được tung lên mạng xã hội khiến người xem phải rùng mình, phẫn nộ. Đoạn clip dài khoảng gần 2 phút ghi lại cảnh một nhóm học sinh đánh hội đồng một nữ sinh ngay trên bục giảng. Điều đáng nói, dù dã cảnh báo nhiều nhưng những “anh chị” nói chuyện “bằng nắm đấm” này không giảm, mà còn xảy ra ngay trong lớp học…

Chỉ cần có “cớ” là đánh

Xác nhận chính thức từ cơ quan quản lý cho thấy, nhóm nữ sinh Trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đánh hội đồng bạn (lớp 7D) ngay trên lớp học vốn là bạn chơi thân với nhau. Sự việc nhóm học sinh này cổ vũ, cố tình quay clip vụ đánh nhau rồi đăng lên mạng xã hội thay vì can ngăn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm của một số học sinh.

Có thể thấy, bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới. Đây là một vấn nạn từ nhiều năm qua và dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội hiện nay khi càng ngày càng nhiều video clip quay những cảnh bạo lực học đường được phát tán trên Internet. Ngày 28/8 vừa qua, trên mạng xã hội dậy sóng với video clip về một nam học sinh lớp 7 Trường THCS Nam Tuấn (huyện Hòa An, Cao Bằng) bị chính 5 bạn trong lớp đánh liên tiếp vào người. Nam sinh ngồi yên chịu những cú đạp thẳng vào người, những cú đánh từ cùi trỏ và đặc biệt có bạn còn cầm tuýp sắt đánh.

Sáng 26/8/2017 trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm nữ sinh ở Đà Nẵng lao vào hành hung P.T.N.M (sinh năm 2000, trú tại Hòa Châu) ngay giữa đường khi trời đang mưa. Bị nhóm thiếu nữ kéo tóc, đánh, đạp nhiều lần vào đầu, bụng và dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu, nạn nhân chỉ biết cam chịu và khóc lóc, van xin. Cũng trong tháng 6 vừa qua, một nhóm nữ sinh vào nhà em T.N.N.Q (16 tuổi, trú P. Đông Lê, TP Đông Hà). Kết quả em Q bị tổn thương ở vùng đầu, thủng màng nhĩ, bầm tím trên cơ thể sau khi bị một nhóm bạn đánh hội đồng. Hay vụ việc 4 nữ sinh ở Quảng Ninh 4 lao vào dùng tay chân đấm đá, xé áo và bắt N quỳ xuống xin lỗi C vì lí do ghen tuông.

Còn nhớ, cách đây đúng một năm, tại Yên Bái, em Quang Huy (15 tuổi) đã tự tử vì clip em bị bạn đánh bắt quỳ giữa đường phát tán trên mạng. Cái chết của Huy như một hồi chuông gióng lên về vấn nạn bạo lực học đường. Người lớn thấy bàng hoàng, con trẻ thấy sợ hãi, hết thảy đều lo lắng không biết ngày mai người tiếp theo sẽ là ai. Huy đã cảm thấy gì, em đã như thế nào khi em không thể vượt qua nỗi đau của mình và phải lựa chọn cái chết để giải thoát. Những người chịu trách nhiệm, những người có liên quan cảm thấy như thế nào trước việc này.

Nguyên nhân các em có thể đánh nhau phần lớn vì những lý do như nói xấu trên Facebook, trái ý nhau, nợ nần, quan hệ tình cảm…, thậm chí đánh vì nhìn cái mặt thấy ghét, thấy “chảnh”. Một số em chưa từng tham gia đánh nhau vẫn cho rằng bạo lực học đường, học sinh đánh nhau là... chuyện nhỏ.

Im lặng hay cổ vũ đều đáng lên án

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT thống kê gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Những nghiên cứu tâm lý học trẻ vị thành niên đều chỉ ra, ở lứa tuổi này, tâm sinh lý, hành vi và nhận thức của các em chưa hoàn thiện. Khi mà những nguồn thông tin, các loại hình giải trí “nhiễm độc” tràn ngập, các em chưa đủ chín chắn để phân biệt đâu là tốt-xấu và nghĩ rằng hành vi xấu đó là điều bình thường. Điều này giải thích vì sao trẻ vị thành niên đang có xu hướng phạm tội nghiêm trọng ngày càng nhiều, càng trẻ hóa đến mức Bộ luật Hình sự hiện hành đã phải xác định lại trách nhiệm hình sự từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Nhưng hình phạt liệu có đủ sức răn đe cho một lứa tuổi còn chưa... biết sợ?

Tuy nhiên, hành xử bất thường, đáng sợ trong bạn bè hay chí ít là giữa người với người đã được bình thường hóa trong suy nghĩ của các cô cậu học trò. Bạo lực không chỉ ở đòn roi, những tiếng hò reo của trẻ khi nhìn người khác hành hạ nhau đáng sợ không kém bất kỳ hành động tay chân nào. Sợ nhất là một khi các em đã xem sự vô cảm, hành xử bạo lực với nhau là chuyện thường ngày. Đáng lên án những sự im lặng hay hò reo cổ vũ của các em khi bạn mình đơn độc trước nắm đấm…

Đơn cử là trường hợp em Huy ở Yên Bái, những người bên ngoài thì vô cảm cầm điện thoại để quay lại hình ảnh man rợ, không tình người đó. Tất cả, tất cả hết thảy đã cảm thấy như thế nào khi Huy lựa chọn cái chết để giải thoát cho mình? Ánh mắt van lơn của Huy, đau đớn của Huy có ám ảnh họ đến suốt cuộc đời không? Lương tri của họ có được thức tỉnh sau tất cả mọi việc xảy ra không? Và với những em may mắn vượt qua những cú sốc, những màn cổ vũ, xử lý nhau bằng nắm đấm của chính bạn mình sẽ mãi mãi hằn sâu trong tim các em một vết sẹo không phai mờ trong suốt cuộc đời còn lại… Bài học đầu tiên về tình người, những giá trị nhân văn để mỗi người mang theo về một thời trong trẻo sẽ không còn nữa. Và bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, hoặc những ám ảnh khôn nguôi…

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, chương trình học từ mẫu giáo lên đến đại học chủ yếu là truyền thụ những kiến thức mang tính hàn lâm mà chưa quan tâm đúng mực đến thời lượng cho việc truyền đạt những giá trị nhân văn. Hiện nay việc giáo dục những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc chủ yếu được giao phó cho môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Đạo đức và Văn học, nhưng trong số những môn này, chỉ có Văn học “may mắn” trở thành môn chính đúng nghĩa, nhưng cách dạy văn ngày nay cũng không thuần túy về văn học mà chính bởi chấm ý lấy điểm, văn mẫu, văn thuộc lòng đã khiến bài văn giống như một bài toán rõ ràng, rành mạch vậy.

Và thầy cô mải miết chạy theo chương trình mà quên những bài học nho nhỏ, mưa dầm thấm lâu, dạy các em những bài học làm người, những trắc ẩn và những cảm xúc níu giữ lương tri… Đó là những bài học không chỉ qua sách vở, mà chính từ sự tận tâm, thương trò của thầy cô. Không những thế, chính từ trong gia đình, phụ huynh hơn ai hết là những người thầy đầu tiên, là tấm gương phản chiếu về lòng trắc ẩn, thay vì những cay nghiệt, vô cảm…

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, lứa tuổi học sinh dễ bị kích động, thích chơi trội, thể hiện mình nên khi rơi vào những vụ việc có tính mâu thuẫn thì dễ phát sinh những hành vi tiêu cực. Để ngăn chặn tình trạng này, nhà trường cần có nội quy xử phạt nghiêm việc học sinh đánh nhau ở bất kể trong hay ngoài trường. Ngoài ra, vai trò của giáo viên rất quan trọng phải vừa mềm vừa rắn để dạy dỗ và răn đe học sinh giúp các em nhận thức cái đúng mà không tham gia các vụ việc như trên. Tuy nhiên, thực tế, việc giáo dục tình yêu thương trong các trường học không đơn giản. Chỉ bằng những bài học, lời giảng suông, học sinh khó có thể tiếp thu để chuyển hóa thành nhận thức của bản thân.

Tác giả: Uyên Na

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: bạo lực , học đường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP