Trao đổi với Thanh Niên chiều 6.10, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sau khi đi vào Biển Đông, cơn bão số 6 đang có diễn biến rất phức tạp, khó lường và mạnh lên.
Cụ thể lúc 16 giờ ngày 6.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc và 118,5 độ kinh đông, trên khu vực đông bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 60 – 75 km/giờ, giật cấp 9 -10.
Trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Dự báo đến 16 giờ ngày 7.10, tâm bão số 6 ở vị trí cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610 km về phía đông bắc. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 9, tức là từ 75 – 90 km/giờ, giật cấp 10 – 11.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đưa ra cảnh báo, vùng biển nguy hiểm trong 24 giờ tới có gió mạnh từ cấp 8 trở lên là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 19 và phía đông kinh tuyến 114. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – 10, giật cấp 11 – 12 khiến biển động rất mạnh. Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực giữa và nam Biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa giông kèm gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1,5 – 2,5 m.
Cùng ngày Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã gửi công điện khẩn đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các bộ, ngành T.Ư. Theo đó, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên thông báo, giữ liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm, kiểm soát chặt tình hình ra khơi của các phương tiện và sẵn sàng các phương án phòng chống bão và ứng cứu ngư dân khi có tình huống xấu.