Ông Trần Văn Thọ – Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải).
“Không trái tinh thần…”
Theo ông Trần Văn Thọ, từ năm 2016 tới bây giờ không có dự án mới nào triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Dự án nạo vét luồng lạch trên sông Cầu từ tháng 5/2015 không triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
“Trước đây UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói khu vực sông Cầu sâu rồi không cần làm nữa. Sau đó một thời gian ngắn, có một số chủ phương tiện có văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam nói sông Cầu cạn, ảnh hưởng cho phương tiện đi lại. Sau đó Bộ có chỉ đạo, giao Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, báo cáo Bộ.
Khi chúng tôi xuống kiểm tra tình hình, tỉnh Bắc Ninh có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, đại diện Sở Giao thông vận tải, chuyên viên của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp, Công an tỉnh, UBND huyện Quế Võ nơi có dự án đi qua. Sau đó thống nhất làm việc ở UBND xã Đức Long, ngay đầu sông Cầu.
Dự án kéo dài 30km, nhưng khi thực hiện trên cơ sở hồ sơ khảo sát thiết kế có 11 vị trí điểm cạn, chiều dài khoảng 5km, từng đoạn một cạn, rồi cùng ký vào băng ghi hình để đảm bảo. Trên cơ sở số liệu như vậy, tư vấn có tính toán trong 4 vị trí kiểm tra đó có 3 vị trí chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng, cấp kỹ thuật của sông đó, chỉ có 1 vị trí đã đảm bảo độ sâu.
Trong tháng 10/2016 Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã đi kiểm tra cùng đơn vị tư vấn rồi. Sau khi kiểm tra, báo cáo với Bộ Giao thông vận tải. Chúng tôi lưu hết. Đại diện sở ban ngành đều ký tá hết, nên trên cơ sở đó thì anh Nguyễn Nhật (Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) mới ký kết quả, đề nghị tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho triển khai. Anh Nhật ký cái đó trước thời điểm Bộ Giao thông vận tải về làm việc với tỉnh Bắc Ninh nên không phải trái tinh thần gì cả”- ông Thọ nói.
– Giải thích của ông và tỉnh Bắc Ninh có độ vênh?
– Số liệu đó trên cơ sở giữa tỉnh và Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cùng đi kiểm tra. Kết quả là việc đi đo đạc đó, chứ không phải Cục chủ động đi đo.
– Việc lựa chọn doanh nghiệp – Công ty cổ phần trục vớt luồng hạ lưu – thực hiện dự án khơi thông luồng lạch trên sông Cầu qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh có được thông qua hình thức đấu thầu công khai không, thưa ông?
– Trong Thông tư 69 chưa quy định hình thức đấu thầu và hiện chúng tôi đang tiến hành sửa đổi thông tư đó. Thực tế việc này tới bây giờ thấy chưa phù hợp. Sau này tất cả sẽ phải làm đấu thầu hết.
Hàng năm chúng tôi đều rà soát xem toàn bộ tuyến đường thuỷ quốc gia có bao nhiêu điểm cạn, cái nào làm bằng ngân sách, cái nào làm xã hội hoá. Sau khi Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến địa phương và phê duyệt danh mục điểm cạn thì sẽ tổ chức đấu thầu.
– Vậy việc lựa chọn doanh nghiệp thực hiện dự án này được làm như thế nào?
– Những vị trí điểm cạn do Bộ Giao thông vận tải ban hành, công bố trong danh mục đó công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam nên nhà đầu tư nào quan tâm thì vào xem. Trong trường hợp này nhà đầu tư đề xuất thực hiện.
– Thực tế cho thấy người dân địa phương đã rất bức xúc khi doanh nghiệp nạo vét luồng lạch sông Cầu nhưng có dấu hiệu khai thác cát phía dưới lòng sông, gây lở bờ phía tỉnh Bắc Ninh. Việc tận thu khoáng sản các ông giám sát ra sao?
– Để bố trí ngân sách nhà nước làm dự án như thế này rất khó khăn. Ở đây chỉ nạo vét duy tu chứ không không có cải tạo nâng cấp gì cả. Hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà đầu tư tự bỏ vốn ra làm và sau đó tận thu sản phẩm đó.
Đối với dự án đó, để triển khai được ngoài thiết kế, phê duyệt thiết kế, phải đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt vì nó liên quan đến 2 tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang. Phương án thực hiện phải đảm bảo an toàn giao thông.
Để làm được hay không phải đăng ký tận thu sản phẩm với địa phương để nộp thuế tài nguyên, phí và một loạt những cái khác. Tôi được biết trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh họ cũng đã nộp phí tài nguyên, đê điều khai thác rồi.
– Sản lượng khai thác của dự án có lớn không? Làm sao để giám sát được việc doanh nghiệp lợi dụng dự án nạo vét để tận thu khai thác cát quá mức quy định?
– Sản lượng của dự án này khoảng 150.000 m3. Ở đây có quy định nghiêm ngặt, chỉ thực hiện trong mùa cạn, mùa bão lũ thì không được nạo vét. Để thực hiện dự án này, quy định bắt buộc phải có đơn vị tư vấn giám sát để giám sát toàn bộ quá trình triển khai thực hiện.
Trong quy định của mình có quy định phải có tư vấn giám sát, thời gian thi công chỉ được từ 6 giờ sáng tới 18 giờ tối. Tất cả phương tiện khi triển khai phải được Cục chấp thuận trên cơ sở phương tiện đó phải có đăng ký, có đăng kiểm, phải treo biển phương tiện đó phục vụ dự án này. Khi phương tiện làm không đúng phải xử lý.
Về giám sát, đơn vị tư vấn làm. Mình không thể có người bố trí ngồi ở đấy được.
– Vậy đã lần nào các ông phát hiện doanh nghiệp này vi phạm?
– Trong tháng 3 vừa rồi đã xử phạt một lần 7,9 triệu đồng sử dụng phương tiện hết hạn đăng kiểm.
“Chưa bao giờ nghe thông tin lãnh đạo Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa”
– Ông có thể giải thích việc tại sao doanh nghiệp lại chỉ nạo vét, tận thu khoáng sản trên nửa luồng sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang như vậy? Có thể hiểu là họ đang nạo vét hay khai thác cát?
– Tất cả dự án là nạo vét luồng. Sông Cầu không rộng lắm, cái luồng thiết kế tới đâu chỉ làm trong phạm vi, thi công ra khỏi phạm vi đó là vi phạm.
Sông không phải như trên đường bộ, sông như chữ chi, bố trí trên đó theo phao, báo hiệu phương tiện đi theo đó. Sông uốn éo thì phải bố trí luồng sao cho phù hợp vì sông bên lở bên bồi.
– Nhưng ông lý giải thế nào về việc khai thác trên sông thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang gây sạt lở bên bờ sông thuộc tỉnh Bắc Ninh, vừa rồi Bắc Ninh phải bỏ hàng chục tỷ đồng để khắc phục?
– Chúng tôi đã 2 lần làm việc với tỉnh Bắc Ninh. Năm 2016 cũng đã xuống làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi đó trên địa bàn còn có 5-6 dự án. Đi kiểm tra từng dự án một, xem báo cáo cần thiết triển khai không.
Trong lúc kiểm tra đó tỉnh cũng nêu đơn vị này khi triển khai như thế gây sạt lở, chúng tôi cũng yêu cầu cung cấp toàn bộ những cái biên bản vi phạm của doanh nghiệp chuyển lên Cục để xử lý theo quy định nhưng tỉnh không cung cấp cho chúng tôi cái gì cả, chỉ chiếu mỗi cuốn phim sạt lở thôi, rồi xuống kiểm tra.
– Theo ông có mối liên hệ nào giữa việc tỉnh Bắc Ninh kiên quyết ngăn chặn khai thác cát trên sông Cầu và nhiều lãnh đạo, cán bộ tỉnh này bị nhắn tin đe doạ?
– Việc này phải tách bạch 2 mảng ra. Việc đe doạ, không chỉ với lãnh đạo tỉnh, mà cả với cán bộ công chức, người dân là vi phạm pháp luật. Bản thân tôi cũng muốn cơ quan chức năng, công an xem ai nhắn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Người ta nhắn được như thế thì bản thân Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng nằm trong đối tượng bị nhắn thì làm sao?
– Bắc Ninh đã lần nào phản ánh với Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải về việc lãnh đạo địa phương này bị đe doạ như thế này chưa?
– Chưa bao giờ mình nghe thông tin đó. Cục hoàn toàn không hề biết có tin nhắn đe doạ đó. Giờ phải điều tra rõ xem đối tượng nào nhắn như thế.
– Đang có những thông tin nói rằng dưới lòng sông Cầu có lượng cát vàng rất quý. Khi duyệt cho doanh nghiệp thực hiện dự án này các ông có đánh giá việc đó?
– Chúng tôi chỉ quan tâm nhất là chuyện sông cạn như vậy thì kể cả bùn lọc, đất hay gì nữa thì phải bốc đi để thông luồng, chứ mình có được thu sản phẩm để bán đâu. Anh phải khơi thông luồng lạch để phục vụ chạy tàu.
– Báo cáo ĐTM nhận định thế nào về khoáng sản doanh nghiệp sẽ tận thu?
– Trong ĐTM sẽ phê duyệt tận thu bao nhiêu, trong 100 nghìn tấn tận thu được bao nhiêu cát chẳng hạn.
– Ông đánh giá thế nào về ý kiến trong sự việc này có chuyện “vênh” lợi ích giữa Cục Đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh trong việc phê duyệt cho doanh nghiệp thực hiện dự án?
– Thực ra quan điểm của Cục ngay từ đầu cũng đặt vấn đề, chúng tôi rất muốn những sông đã công bố quản lý phải đảm bảo luồng chạy tàu nếu không thì ảnh hưởng lớn tới giao thông vận tải, phải làm sao để khơi thông luồng cho mình thôi. Đó là lợi ích cho xã hội trong việc phát triển vận tải thuỷ, Cục Đường thuỷ nội địa không được thu gì cả.
Trong nguồn lực xã hội đáp ứng được thì việc này không cần thiết, để duy tu luồng đường thuỷ thì ngân sách đáp ứng được là cái mong muốn nhất. Trong điều kiện ngân sách có hạn thì mới kêu gọi xã hội hoá như thế này thôi.
Trong năm 2016 chúng tôi đã chấm dứt với 22 dự án rồi, 16 dự án hết hạn hợp đồng chưa hoàn thiện cũng dừng hết rồi, đến giờ còn 14 dự án. Vừa rồi đi làm việc với địa phương chủ yếu xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện các dự án này, làm rõ trách nhiệm của các bên, Cục và địa phương. Một số tỉnh đã chỉ đạo, giao đầu mối các sở để rà soát lại để hai bên thống nhất.
– Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)