Điều này cho thấy mối lo của người hâm mộ VN trong tương lai sẽ phải chi tiền để được xem những trận bóng đá mà đội tuyển quốc gia tham dự không còn xa.
Đây thật sự là bước ngoặt với thị trường truyền hình trả tiền VN khi các đài truyền hình trả tiền giờ đây không chỉ quan tâm đến các giải thể thao quốc tế phát sóng tại VN mà còn tham gia cuộc đua mua bản quyền các giải bóng đá mà các đội tuyển quốc gia VN tham dự.
K+ mua bản quyền, VTV nhận chia sẻ
Vòng loại giải U-23 châu Á 2015 với sự góp mặt của đội tuyển Olympic VN ở bảng I sẽ khởi tranh tại Malaysia từ ngày 27 đến 31-3. Ngày 2-3, K+ tuyên bố đã sở hữu bản quyền truyền hình của giải đấu và tường thuật trực tiếp sáu trận, trong đó có ba trận đấu của đội tuyển VN với các đội Nhật Bản, Malaysia, Macau. Trong thông báo này, K+ cho biết sẵn sàng chia sẻ cho các kênh quảng bá của VTV được tiếp sóng miễn phí giải đấu từ K+.
Việc sở hữu bản quyền truyền hình tại những giải đấu thuộc khuôn khổ vòng loại châu Á như thế này từ trước đến nay không được các đài truyền hình mặn mà bởi thành tích của đội tuyển VN tại những giải đấu này chưa cao. Hơn nữa, như một mặc định bất thành văn, tại các giải bóng đá có sự góp mặt của đội tuyển VN, Đài truyền hình VN (VTV) luôn đứng ra để xin, mua bản quyền phục vụ nhân dân trong nước bởi VTV là đài quốc gia, đặt mục đích phục vụ nhân dân lên trên hết. VTV cũng là đài truyền hình quảng bá có diện phủ sóng rộng nhất trên toàn lãnh thổ VN.
Do đó, thật bất ngờ khi ngày 2-3, K+ (công ty con thuộc liên danh giữa VTV và Canal+) tuyên bố đã có trong tay bản quyền truyền hình vòng loại giải U-23 châu Á 2015. Trong khi đó, đại diện của VTV cho biết vì một lý do nào đó VTV đã không có được bản quyền truyền hình giải đấu và chờ sự chia sẻ.
Câu chuyện đáng bàn là bởi K+ chính là “con đẻ” của VTV với 51% cổ phần của VTV, chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc của K+ hiện nay cũng chính là lãnh đạo đương chức của VTV cử sang nắm giữ. Việc mua bản quyền truyền hình của giải đấu lẽ ra thuộc vai trò của VTV nhưng VTV lại không mua hoặc không mua được và để cho “con đẻ” của mình đứng ra mua, sau đó được “con đẻ” tuyên bố chia sẻ lại. Rất may cho người hâm mộ VN là tại giải đấu này, K+ tuyên bố chia sẻ miễn phí cho VTV.
Ông Nguyễn Thành Lương – phó tổng giám đốc VTV – từ chối đưa ra thông tin vì sao VTV không sở hữu được bản quyền giải đấu này. Ông Lương nói: “VTV luôn thể hiện vai trò là đài quốc gia, cố gắng có được bản quyền truyền hình các giải đấu để phục vụ quần chúng. Tuy nhiên muốn mua bản quyền cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tài chính”.
Nhiều đài truyền hình cũng bất ngờ
Đại diện một số đài truyền hình có tiềm lực cho biết họ khá bất ngờ với thương vụ kinh doanh này của K+ và VTV. Các đài truyền hình khác như HTV TP.HCM, VTC, SCTV… đều cho biết họ không hề nhận được lời mời cũng như tham gia đàm phán gói bản quyền này. Vì thế, duy nhất chỉ có VTV và K+ tham gia thương vụ và thỏa thuận với đối tác MP & Silva hình thức mua bán.
Đại diện một đài truyền hình lớn tại VN cho biết ông rất bất ngờ trước thông tin K+ mua bản quyền vòng loại U-23 châu Á sau đó cho VTV tiếp sóng. Vị này chia sẻ: “VTV là đài quốc gia và từ xưa đến nay nhiệm vụ phục vụ quần chúng luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy ở nhiều giải thể thao, trong đó có bóng đá, VTV luôn đứng ra mua và phát miễn phí cho người hâm mộ.
Để phục vụ quần chúng, đài của chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp sóng toàn bộ chương trình của VTV để phục vụ khán giả ở khu vực chúng tôi kinh doanh. Tuy nhiên, không hiểu sao một giải đấu như vòng loại U-23 châu Á người hâm mộ đang rất quan tâm với những cái tên Công Phượng, Tuấn Anh… lần đầu thi đấu dưới sự dẫn dắt của HLV Miura, VTV lại không mua để phục vụ quần chúng.
Ngược lại, VTV để cho K+ mua sau đó tiếp sóng lại là rất khó hiểu bởi quyền quyết định ai mua ở đây đều thuộc thẩm quyền của VTV. K+ mua cũng là quyền của VTV chứ không phải quyền của ai khác. Là đài quốc gia nhưng VTV làm như vậy rõ ràng chưa thể hiện đúng vai trò và nhiệm vụ của mình”.
Đại diện của một đài truyền hình khác cho rằng: “Với 51% cổ phần chi phối tại K+ cho thấy VTV là đài quốc gia đang góp vốn chính trong liên doanh với đối tác nước ngoài. Nếu một ngày nào đó người hâm mộ phải trả tiền để xem đội tuyển quốc gia thi đấu trong khi VTV mang nguồn lực nhà nước để cho đối tác nước ngoài phát triển thì rõ ràng không ổn”.
Trong thông cáo báo chí gửi đến truyền thông về sự kiện này, K+ cho biết tỉ lệ vốn trong liên doanh VSTV không thay đổi, VTV tiếp tục nắm giữ 51% và Canal+ nắm giữ 49%. Tuy nhiên, việc VTV trực tiếp sở hữu vốn trong liên doanh VSTV sẽ bảo đảm việc tập trung quản lý, trực tiếp chỉ đạo, giám sát, đem lại những thuận lợi cho hoạt động của VSTV.
Cùng với việc thay đổi chủ sở hữu vốn, một số nhân sự cấp cao tại VSTV cũng được hai đối tác trong liên doanh thống nhất thay đổi. Cụ thể: ông Nguyễn Thành Lương, phó tổng giám đốc VTV, tham gia đại diện vốn của VTV và giữ trọng trách chủ tịch hội đồng thành viên VSTV. Ông Lê Chí Công, phó chánh văn phòng VTV, được bổ nhiệm làm tổng giám đốc VSTV.
Ông Hải nói: “Trên thế giới, các đài truyền hình quốc gia luôn là những đài tường thuật các trận đấu của đội tuyển quốc gia chứ không riêng gì ở VN. Đội tuyển quốc gia không chỉ là đội bóng bình thường, đó là tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Do đó, người hâm mộ muốn được xem các trận đấu của đội tuyển quốc gia trên đài quốc gia và không phải trả tiền.
Người hâm mộ VN còn nghèo, nếu phải trả tiền để được xem đội tuyển thi đấu qua một đài truyền hình trả tiền nào đó thì quá thiệt thòi cho người hâm mộ và thiệt thòi cho cả bóng đá VN. Đội tuyển quốc gia thi đấu chứ không phải Giải ngoại hạng Anh, tôi cho rằng VTV nên đặt mục tiêu phục vụ nhân dân lên trên bài toán kinh tế. Hiện nay VTV là đài quốc gia, hoạt động bằng thuế của dân và nguồn thu cũng từ dân mà ra, giờ đem bóng đá ra làm bài toán kinh doanh thì không được”.