VND lên giá như thế nào so với NDT?
Tuần qua, đồng nhân dân tệ (NDT) đã có lúc đánh dấu mức giảm hơn 5,5% so với đôla Mỹ (USD) tính từ đầu năm đến nay. Còn nếu chỉ tính riêng từ đầu quý II đến nay, NDT đã giảm giá hơn 10%, mức biến động rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây.
Ngược lại, tiền đồng (VND) chịu nhiều áp lực nhưng vẫn được xem là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng 1%. Có nghĩa là, tiền đồng mất giá so với USD chỉ bằng một phần năm so với sự mất giá của NDT với USD. Trên thị trường liên ngân hàng và tự do, tỷ giá có điều chỉnh mạnh hơn nhưng cũng chỉ giảm giá từ 2-3%.
Tính từ đầu năm, đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 5% so với đôla Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Nhưng khi NDT liên tiếp giảm giá so với USD, tiền đồng cố gắng duy trì sự ổn định, dẫn tới hệ quả tiền đồng đã tăng giá đáng kể so với nhân dân tệ. Theo tỷ giá tính chéo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, một nhân dân tệ hiện nay chỉ đổi được 3.351 đồng, trong khi hồi đầu năm đổi được 3.419 đồng, tức tiền đồng đã tăng giá đến 2% so với nhân dân tệ trong gần 7 tháng qua. Còn nếu so với tháng 4, thời điểm đồng nhân dân tệ lên giá cao nhất so với đôla Mỹ, tiền đồng đã tăng giá hơn 6,3% so với nhân dân tệ chỉ trong vòng 3 tháng.
Ảnh hưởng đến thương mại và du lịch
Việc tiền đồng tăng giá so với nhân dân tệ khó tránh khỏi và gây ra những ảnh hưởng lên nền kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, thương mại với Trung Quốc có thể thâm hụt nặng nề hơn, khi mà hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rẻ hơn, ngược lại hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể mất lợi thế cạnh tranh do giá trở nên đắt hơn. Một báo cáo hồi tháng 5 năm nay của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2013 đến quý I/2018, Việt Nam đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 150 tỷ USD, và chỉ riêng trong năm 2017, con số này là 23,2 tỷ USD.
Thống kê cũng cho thấy, xu hướng thâm hụt thương mại với Trung Quốc có tốc độ tăng ngày càng nhanh trong những năm qua và dự kiến khó có thể giải quyết. Nếu NDT tiếp tục giảm giá, áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ càng nặng nề. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp nội địa Việt Nam phải chịu cạnh tranh quyết liệt hơn ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể sẽ được lợi nhờ chi phí đầu vào giảm xuống. Thế nhưng, cái giá mà nền kinh tế chung phải trả là lớn hơn rất nhiều.
Với du lịch, tiền đồng lên giá so với nhân dân tệ có thể kích thích du lịch từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ chi phí rẻ hơn, ngược lại khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chiếm hơn 32,5% tổng khách du lịch đến Việt Nam. Do đó, nếu lượng khách từ quốc gia đông dân nhất thế giới này sụt giảm cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu du lịch và các sản phẩm dịch vụ khác đi kèm.
Tác động đến đầu tư
Nhân dân tệ giảm giá mạnh càng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh rủi ro tỷ giá, cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam trước sự ổn định của tiền đồng, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã ký kết gần đây, đặc biệt là để tránh các hàng rào thuế quan trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.
Tỷ giá USD/VND trong ngân hàng và thị trường tự do tăng khoảng 2-3% so với đầu năm. Ảnh: Anh Tú. |
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút 1.366 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 11,8 tỷ USD. Vốn đầu tư từ Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam với 328 triệu USD, nhưng nếu xét theo số dự án thì Trung Quốc xếp thứ 3 chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, nếu cộng thêm dòng vốn từ đặc khu hành chính Hồng Kong, số dự án là 228 xếp thứ hai chỉ sau Hàn Quốc và giá trị vốn là 722 triệu USD, xếp thứ 3, vượt qua Thái Lan và Singapore.
Tuy nhiên, dòng vốn này có thể bị chững lại nếu như tiền đồng không thể duy trì sự ổn định. Với những áp lực lên tỷ giá quá lớn trong những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã có một số can thiệp để giải tỏa áp lực cho thị trường, không chỉ từ việc bán ra ngoại tệ mà gần nhất là tăng giá bán USD tại Sở giao dịch. Động thái này châm ngòi đẩy giá mua bán tại các ngân hàng cũng như trên thị trường tự do trong những ngày đầu tuần.
Phá giá tiền đồng tương ứng với nhân dân tệ có thể tránh thiệt hại quá lớn về thương mại nhưng nhà điều hành nên cẩn trọng bởi động thái này có thể làm chững lại dòng vốn đang dịch chuyển vào Việt Nam, từ đó vô tình “cứu” Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cũng đưa Việt Nam rơi vào vòng xoáy cuộc chiến tiền tệ đang manh nha xuất hiện.
Ngoài ra, do đặc thù xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng rất ít, vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên phá giá tiền đồng không mang lại lợi ích nhiều cho xuất khẩu như các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra.
Tác giả: An Nhiên
Nguồn tin: Báo VnExpress