Hôm 13/6, Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và cũng là người giữ chức Phó chủ nhiệm Bộ Tuyên truyền Triều Tiên tuyên bố, nước này đang tiến tới một "giai đoạn mới" trong cuộc đối đầu với Hàn Quốc.
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người em gái quyền lực của ông Kim cho biết thêm, bà đã ra lệnh cho quân đội Triều Tiên chuẩn bị thi hành các biện pháp cần thiết để trả đũa Hàn Quốc.
Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un (giữa) tuyên bố đã chỉ đạo quân đội Triều Tiên thực thi hành động thích hợp nhằm trả đũa Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên ngày 15/6 một lần nữa nhắc lại cảnh báo trên, nhấn mạnh việc nước này sẽ tiếp tục các hành động trừng phạt quân sự không ngừng nghỉ nhằm vào Hàn Quốc
Các đe dọa được đưa ra sau khi một nhóm người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc dùng bóng bay và chai nhựa thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng cũng như gạo và tiền qua biên giới. Động thái cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi phía Bình Nhưỡng thông báo sẽ cắt đứt mọi đường dây nóng liên Triều và đóng cửa một văn phòng liên lạc giữa hai chính phủ, bước đầu tiên trong "kế hoạch đối phó kẻ thù theo từng giai đoạn".
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, tất cả nhằm trả đũa việc nhà chức trách Hàn Quốc đã không nỗ lực ngăn chặn các "hành động thù địch", vi phạm hàng loạt thỏa thuận hòa bình song phương, dẫn đến những căng thẳng "tồi tệ chưa từng thấy" trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng, Bình Nhưỡng vẫn không ngưng dọa dùng vũ lực với nước láng giềng ngay cả khi chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt đầu truy tố những người đào tẩu đã tham gia chiến dịch thả truyền đơn và gạo, tiền sang bên kia biên giới. Điều này ám chỉ, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như vẫn chưa hài lòng với các hành động xoa dịu căng thẳng của Hàn Quốc.
Một số nhà phân tích thậm chí tin, Bình Nhưỡng đang dùng vấn đề truyền đơn để tăng sự đoàn kết trong nước hoặc làm cái cớ để gây áp lực với Seoul nhằm đạt được thứ họ muốn, giữa lúc tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đình trệ.
Hãng thông tấn Aljazeera trích dẫn lời ông Duyeon Kim, cố vấn cấp cao của Tổ chức khủng hoảng quốc tế, một tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách phi lợi nhuận có trụ sở ở Bỉ nhận định, các lãnh đạo Triều Tiên có thể cảm thấy bị phản bội và thất vọng trước dự đoán của Seoul rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Bình Nhưỡng sẽ đóng cửa các cơ sở hạt nhân, nhưng điều đó rốt cuộc đã không xảy ra. Chính quyền ông Kim cũng phẫn nộ khi Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận, trong khi Seoul "không làm gì giúp giải quyết những bế tắc trong đàm phán" giữa Bình Nhưỡng với Washington.
Theo các nhà quan sát, Triều Tiên thường thổi bùng căng thẳng, gia tăng sức ép với Hàn Quốc khi nước này không giành được những gì mong muốn từ Mỹ. Lần này, Bình Nhưỡng đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận liên Triều sau nhiều tháng Seoul nhất quyết từ chối chống lại các lệnh cấm vận do Washington áp đặt để tái khởi động các dự án kinh tế chung giữa hai nước láng giềng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khắp thế giới đang khiến nhiều quốc gia lao đao vì suy sụp kinh tế.
Cây bút bình luận Laura Bicker của hãng thông tấn BBC cũng đề cập đến khả năng, Bình Nhưỡng đang tạo ra một cuộc khủng hoảng để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán sau này, khi Triều Tiên đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh cấm vận dai dẳng của Mỹ.
Các nhà phân tích thừa nhận, họ vẫn chưa rõ liệu Mỹ và Hàn Quốc có sẵn sàng "xuống thang" để chiều lòng Triều Tiên vào thời điểm hiện tại hay không. Hôm 14/6, Bộ Thống Nhất và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đều lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết song phương. Nhà chức trách Hàn Quốc cũng khẳng định, quân đội nước này đang theo dõi sát mọi động thái của nước láng giềng và đã chuẩn bị các phương án đối phó kịp thời.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đang duy trì thế phòng thủ phối hợp tích cực, nhằm đối phó với bất kỳ tình huống nào liên quan đến Triều Tiên. Đáng nói, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa có bất kỳ phát biểu nào về các phản ứng mới của Bình Nhưỡng.
Một số nhà bình luận nói, có lẽ các mối bận tâm hàng đầu của ông Trump hiện nay là dịch bệnh hoành hành, làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng khắp Mỹ và các nỗ lực vận động tái tranh cử cho ngày tổng tuyển cử quốc gia 3/11 tới đây. Do đó, chính quyền ông Trump có thể không ưu tiên giải quyết ngay các yêu sách của Bình Nhưỡng.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet