Độ ẩm là điều kiện tốt để nấm mốc phát triển. Nhiều người do bảo quản bánh không tốt nên dễ gây ra nấm mốc. Hiện nay có một số người rất cẩn thận trong việc sử dụng thức ăn, dù chỉ một chút nấm mốc cũng bỏ ngay. Tuy nhiên, có người lại vô tư sử dụng một số loại bánh có nấm mốc.
Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, có rất nhiều loại nấm mốc. Có loại sinh độc tố, có loại lại không, có loại gây ngộ độc nặng, có loại gây ngộ độc nhẹ nhưng thường là nặng, làm hại gan, gây độc thần kinh, xuất huyết, thậm chí gây ung thư.
Ở một số loại bánh như bánh mì ổ, bánh sandwich mới ra lò, nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh chết sạch nhưng ở môi trường ẩm, nấm mốc sẽ nảy sinh.
Có rất nhiều nấm mốc chứa nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe của bạn. Ảnh minh họa |
Độc tố nấm (mycotoxins) thường rất bền với nhiệt, có đem nướng lại bánh mì chẳng ăn thua gì. Nấm khởi sinh từ bề mặt bánh rồi lan dần vào trong, lan thực sự tới đâu cũng khó biết, chứ không chỉ chỗ nào bánh đổi màu, chỗ đó mới có mốc. Các loại bánh thường xốp nên mốc dễ len lỏi “mọc rễ”…
“Nhìn bằng mắt thường rất khó nhận biết mốc này độc hay không độc. Vì vậy nếu bánh nhiễm mốc, nên ăn hay bỏ? Đối với bánh mì, nếu bị nhiễm mốc ít, chỉ mới chớm ở khu vực nhỏ, có thể cắt bỏ cách xa chỗ nhiễm khoảng vài phân. Còn với bánh có nhân, có bơ, pho mát… dù nhiễm nhiều hay ít, tốt nhất nên bỏ luôn”, chuyên gia Vũ Thế Thành chia sẻ thêm.
Một loại bánh nữa cũng được rất nhiều người yêu thích, tuy nhiên lại dễ bị nấm mốc đó là bánh chưng. Đây là món ăn truyền thống trong các gia đình vào dịp Tết. Nếu gặp những ngày thời tiết nắng nóng, trời nồm, bánh chưng thường bị thiu chua, meo mốc, nếu ăn vào rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy, có khi bị nhiễm độc, rất có hại đối với sức khỏe.
Bánh chưng có độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, vì thế khi bánh chưng để lâu rất dễ mốc.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, Chuyên gia Dinh dưỡng, Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: “Nhiều bà nội trợ vì tiếc của nên cố tình sử dụng bánh chưng đã mốc. Dù đã cắt bỏ phần bị bánh bị hỏng hoặc chế biến bằng cách rán lên nhưng nấm mốc vẫn có thể xâm nhập sâu bên trong, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa”.
Về vấn đề nấm mốc trong thực phẩm, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, đã từng chia sẻ, khi thực phẩm bị nấm mốc thì không cách nào loại bỏ bởi bào tử đã nằm sâu bên trong. Muốn an toàn thì không nên dùng.
Nếu sử dụng thực phẩm có nấm mốc sẽ dễ dẫn đến nguy cơ ung thư gan, tiêu hóa…. Nấm mốc còn có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp với các biểu hiện như tiêu chảy, nôn ói…
Tác giả: Ngọc Nga (T/h)
Nguồn tin: VietQ.vn