An Ninh Hình Sự

8 tỷ khai gian: Bị cáo kêu oan, hải quan đổ sang cho thuế

Tại phiên tòa xét xử bị cáo Chung cùng đồng bọn, đại diện của cơ quan thuế và hải quan Hà Tĩnh đều khẳng định mình làm đúng quy trình. Tuy nhiên, hơn 8 tỷ đồng vẫn cứ “chảy” vào túi doanh nghiệp “ma”?

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, sau 8 tháng thành lập, với vai trò đại diện công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu SCI, Chung và Quốc đã mở tờ khai hải quan khống; mua hóa đơn VAT đầu vào của các doanh nghiệp rồi xin hồ sơ hoàn thuế, chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng. Xoay quanh vụ án này, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về việc vì sao các cơ quan liên quan trực tiếp đến hành vi lừa đảo này như thuế, hải quan lại dễ dàng bị qua mặt?

Sáng 18/4, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Quang Chung (SN 1981), Lê Đình Quốc (SN 1993), cùng trú xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn; Nguyễn Thị Bảo Hằng (SN 1984), trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Nguyễn Thị Tình (SN 1984), trú xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 9/2014, Nguyễn Quang Chung thành lập công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu SCI, có trụ sở tại xã Sơn Diệm, huyện hương Sơn với tổng vốn điều lệ 10 tỷ đồng; ngành nghề đăng ký kinh doanh là buôn bán, XNK các mặt hàng vật liệu xây dựng, nông sản. Với vai trò chủ đạo, Chung giữ vị trí phó giám đốc, Lê Đình Quốc được giao ghế giám đốc, Nguyễn Thị Bảo Hằng giữ chức kế toán trưởng.

Để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền hàng của công ty, Chung đã sang Lào và ký hợp đồng khống rồi chuyển tiền qua lại với một công ty ở tỉnh Bolykhamxay. Chưa đầy một năm hoạt động, Chung và đồng bọn đã lừa đảo và chiếm đoạt gần 8,4 tỷ đồng. Mặc dù không có hoạt động xuất nhập khẩu nào, nhưng với danh nghĩa công ty SCI, Chung và Quốc đã liên hệ với nhiều chủ xe thường xuyên chở hàng sang Lào bán, để mở tờ khai hải quan tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), hợp thức hóa các thủ tục xuất khẩu. Sau đó, Chung liên hệ mua hóa đơn GTGT mang danh nghĩa công ty SCI mua hàng trong nước để xuất khẩu rồi hoàn thiện hồ sơ, chứng từ đề nghị cục thuế Hà Tĩnh hoàn thuế GTGT, hòng chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm là vì sao một khối lượng hàng hóa, hóa đơn chứng từ khổng lồ như vậy mà Nguyễn Quang Chung cùng đồng bọn lại dễ dàng qua mắt được các cơ quan chức năng? Vì sao hàng trăm chuyến hàng và 3 bộ hồ sơ hoàn thuế được thực hiện trót lọt trước sự quản lý của các đơn vị như hải quan và thuế?

Biên bản kiểm tra hồ sơ hoàn thuế công ty SCI.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Quang Chung đã mở 104 tờ khai hải quan khống tại cửa khẩu Cầu Treo, trị giá hàng hóa xuất khẩu 5.076.129,70 USD (tương đương 108.952.216.190 đồng); 10 tờ khai hàng hóa xuất khẩu khác (khống) tại cửa khẩu Cha Lo, có tổng giá trị hàng hóa 6.981.644,7 USD (tương đương 150.242.827.053 đồng).

Sau đó, để hợp thức đầu vào, Chung và đồng phạm đã mua hóa đơn của 11 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và TP.Hồ Chí Minh với 218 số hóa đơn GTGT, giá trị hàng hóa 133.414.953.780 đồng. Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Quang Chung tiếp tục chỉ đạo kế toán 3 lần dựng khống các hồ sơ, để được hoàn thuế. Từ các tháng 10/2014 đến tháng 4/2015, SCI được hoàn thuế với tổng số tiền là 8.391.669.382 đồng.

Với vai trò là giám đốc nhưng bị cáo Lê Đình Quốc liên tục kêu oan tại tòa. Quốc cho rằng, từ khi thành lập công ty đến trước ngày bị bắt, tuy là giám đốc nhưng Quốc không hề tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nào của công ty SCI. Thậm chí, trong những lần làm việc với các đoàn kiểm tra của cục thuế Hà Tĩnh, giám đốc doanh nghiệp này cũng không tham gia?

“Bị cáo trình độ học vấn thấp, lại kém hiểu biết pháp luật nên khi được người khác nhờ làm giám đốc công ty thì đồng ý ngay. Bị cáo nhiều lần bị giả mạo chữ ký trong các giao dịch tài chính, cũng như các biên bản kiểm tra của cục thuế”, Quốc khai.

Có mặt tại phiên tòa, đại diện chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo cho biết, do công ty SCI mới thành lập và có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nên được đơn vị này cho vào luồng đỏ (kiểm tra trực tiếp hàng hóa trên xe bằng phương thức thủ công). Theo đó, các xe hàng của SCI đều được các cán bộ kiểm hóa của đơn vị này kiểm tra rất kỹ và đúng quy trình, tuyệt đối không thể xảy ra sai sót. Tuy nhiên, về nguồn gốc hàng hóa cũng như việc buôn bán của doanh nghiệp trên nước bạn thì phía hải quan không quản lý hết được.

Đại diện các cơ quan thuế và hải quan tại tòa.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phương, cán bộ cục thuế Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi nhận được hồ sơ hoàn thuế của công ty SCI, đơn vị đã thành lập 3 đoàn kiểm tra nhằm xác minh rõ các hóa đơn chứng từ liên quan, để báo cáo cục trưởng ra quyết định hoàn thuế. Cả 3 đoàn kiểm tra đều đã thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của công ty SCI theo quy định của bộ Tài chính”.

Sau một ngày làm việc căng thẳng, phiên tòa vẫn đang ở phần xét hỏi những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Càng đi sâu, vụ án càng có nhiều tình tiết phức tạp và khiến dư luận hết sức quan tâm. Phiên tòa tiếp tục kéo dài sang ngày 19/4, báo Người Đưa Tin sẽ tiếp thục theo dõi và thông tin đến độc giả.

Hồ Ngọc/Theo báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP