Kiểm soát trang thông tin cá nhân, kiểm tra các thiết bị được dùng để đăng nhập, hay hạn chế quyền truy cập thông tin cá nhân của ứng dụng… là những việc bạn cần làm nếu muốn tài khoản Facebook của mình được an toàn.
Bước 1: Xem người khác nhìn thấy gì trong trang cá nhân của bạn
Bạn muốn biết khi người lạ (những người không có trong danh sách bạn bè) vào trang cá nhân (profile) của mình, họ sẽ nhìn thấy những gì? Nếu không ngại chia sẻ mọi thông tin, từ bài đăng, ảnh chụp… của mình cho tất cả mọi người, từ quen đến lạ, bạn không cần quan tâm đến bước này. Tuy nhiên, nhiều người dùng Facebook hẳn sẽ không muốn công khai toàn bộ những gì về mình cho người lạ biết.
Để xem người khác thấy gì trong trang cá nhân, bạn đăng nhập vào tài khoản Facebook, click vào mũi tên xổ xuống ở trên cùng góc phải, click chọn Cài đặt.
Ở cửa sổ tiếp theo bạn chọn “Dòng thời gian và gắn thẻ” ở bên trái màn hình.
Ở phần “Ai có thể xem nội dung trên dòng thời gian của tôi”, bạn click vào “Xem với tư cách là”. Cửa sổ tiếp theo sẽ là giao diện Timeline các bài đăng mà bạn chia sẻ công khai, nghĩa là bất cứ ai truy cập vào trang cá nhân của bạn cũng sẽ nhìn thấy chúng.
Bạn có thể thực hiện các chỉnh sửa khác nhau cho từng bài viết bằng cách click vào mũi tên xổ xuống. Facebook cho phép bạn thực hiện các chỉnh sửa như xóa, ẩn khỏi dòng thời gian (timeline), sửa nội dung, gắn thẻ bạn bè…
Ở quyền hạn chế cao nhất, người lạ sẽ chỉ có thể xem được ảnh profile và ảnh bìa (cover) Facebook của bạn. Ngoài ra, Facebook cũng cung cấp một đường link để người khác nhắn tin cho bạn, tuy nhiên, bạn có thể thiết lập để chỉ có bạn của bạn bè mới được phép nhắn tin.
Nếu bạn hạn chế, chỉ cho phép bạn bè truy cập timeline của mình, người lạ sẽ chỉ nhìn thấy ảnh profile và ảnh bìa của bạn. Facebook cũng cung cấp một liên kết để người khác nhắn tin cho bạn, tuy nhiên, bạn có thể thiết lập để chỉ có bạn bè của bạn bè mới được phép nhắn tin.
Vậy một người cụ thể nào đó – ví dụ như người yêu cũ – khi vào trang cá nhân của bạn sẽ thấy những gì? Nếu muốn biết điều này, bạn nhấn vào đường link “Xem như một người cụ thể” ở trên cùng cửa sổ và nhập tên Facebook của người đó.
Để thiết lập ai có thể xem timeline của mình, bạn quay trở lại phần “Dòng thời gian và gắn thẻ”, nhìn vào các mục con “Ai có thể xem các bài viết mà bạn được gắn thẻ trên dòng thời gian của mình?” và “Ai có thể xem nội dung mà người khác đăng lên dòng thời gian của bạn?”. Ở bên phải mỗi mục con này có nút “Chỉnh sửa” giúp bạn thiết lập, giới hạn người xem timeline. Sau khi thiết lập xong, bạn nhớ nhấn nút “Đóng” để thay đổi có hiệu lực.
Bước 2: Đảm bảo Facebook của bạn không bị đăng nhập trên thiết bị lạ
Để đảm bảo an toàn cho người dùng, Facebook tung ra các công cụ giúp bạn xem toàn bộ các thiết bị mà tài khoản Facebook được đăng nhập trên đó. Điều này giúp đảm bảo tài khoản không bị đăng nhập trên các thiết bị lạ. Trong trường hợp phát hiện ra thiết bị lạ này, bạn có thể đăng xuất Facebook của mình khỏi nó. Tất nhiên sau đó bạn cần thay đổi mật khẩu để kẻ lạ kia không thể tiếp tục sử dụng Facebook của mình nữa.
Bạn có thể xem danh sách thiết bị này bằng cách vào phần “Bảo mật” ở bên trái màn hình.
Click chọn “Địa điểm bạn đã đăng nhập” ở cửa sổ hiện ra bên phải. Nếu thấy có thiết bị lạ, bạn click vào “Kết thúc hoạt động” để thoát tài khoản và thay đổi mật khẩu ngay lập tức.
Nếu muốn đăng xuất tài khoản ở tất cả các thiết bị, bạn click vào link “Kết thúc toàn bộ hoạt động” ở phía trên cùng.
Mục “Bảo mật” cũng cho phép bạn thiết lập các tính năng bảo vệ khác: xác thực 2 bước – yêu cầu nhập thêm mã được gửi đến số điện thoại khi bạn đăng nhập Facebook trên một thiết bị mới (mục “Xét duyệt đăng nhập”); gửi thông báo đến email mỗi khi tài khoản được đăng nhập (mục “Cảnh báo đăng nhập”).
Bước 3: Hạn chế người xem các bài đăng
Để giới hạn việc truy cập đến các bài đăng trong quá khứ cũng như tương lai của mình, bạn vào mục “Quyền riêng tư” ở bên trái màn hình.
Ở cửa sổ hiện ra, bạn tìm đến mục “Bài viết” rồi click vào đường link “Giới hạn bài đăng trước đây”. Facebook mô tả rất rõ ràng tác dụng của tính năng này: “Nếu bạn sử dụng công cụ này, nội dụng trên nhật kí của bạn mà bạn đã chia sẻ với bạn của bạn bè hoặc Công khai sẽ thay đổi thành Bạn bè. Hãy nhớ: những người được đánh dấu và bạn bè của họ cũng có thể nhìn thấy những bài viết đó”.
Tương tự, bạn tiến hành hạn chế với các bài đăng trong tương lai ở phần “Ai có thể thấy các bài đăng sau này của bạn?”
Ở mục “Lời mời kết bạn”, bạn có thể hạn chế những người có thể gửi yêu cầu kết bạn đến mình. Facebook cung cấp 2 tùy chọn gồm “Mọi người” (tất cả mọi người, kể cả người lạ) và “Bạn của bạn bè”.
Mục “Thông tin liên hệ” cũng có các tùy chọn cho phép bạn giới hạn đối tượng có thể tìm ra mình qua địa chỉ email, số điện thoại, tên, hay qua các công cụ tìm kiếm trên Internet.
Bước 4: Hiểu rõ để quản lý “Dòng thời gian và gắn thẻ”
Ở bước 1, bạn đã biết cách giới hạn ai có thể xem timeline. Tuy nhiên, trong mục “Dòng thời gian và gắn thẻ”, bạn còn được quyền ngăn (block), không cho bạn bè viết lên timeline của mình, cũng như xem lại các bức ảnh, bài đăng mà người khác gắn thẻ bạn vào đó trước khi quyết định có cho nó xuất hiện trên timeline hay không.
Để làm điều này, ở mục “Ai có thể thêm nội dung vào dòng thời gian của tôi?”, bạn nhìn vào mục con “Ai có thể đăng lên dòng thời gian của bạn?” rồi click vào nút “Chỉnh sửa” nằm bên phải màn hình. Facebook cung cấp 2 tùy chọn, và nếu chọn vào “Chỉ mình tôi”, bạn bè của bạn từ đây sẽ không thể viết lên timeline của bạn nữa.
Ngay bên dưới, phần “Xem lại các bài viết mà bạn bè gắn thẻ bạn trước khi bài viết xuất hiện trên dòng thời gian của bạn?”, bạn chọn Enabled để xem lại các bài đăng mình được gắn thẻ trước khi quyết định có cho nó hiện trên timeline hay không.
Với mục “Làm cách nào để quản lý các thẻ mọi người thêm và đề xuất gắn thẻ?”, bạn có thể bật (Enable) để xem lại các thẻ mà mọi người thêm vào bài đăng của chính mình trước khi chúng xuất hiện trên timeline.
Bước 5: Hạn chế quyền truy cập thông tin Facebook của các ứng dụng
Một số ứng dụng di động hiện nay đòi gần như tất cả các quyền truy cập vào thông tin cá nhân của bạn, bao gồm quyền “thay mặt bạn” để tải ảnh và đăng bài.
Để xem lại việc truy cập thông tin Facebook của các ứng dụng này, bạn click vào mục “Ứng dụng” ở bên trái màn hình. Lúc này danh sách các ứng dụng đã đăng nhập bằng Facebook của bạn sẽ hiện ra. Bạn click vào từng ứng dụng đó để xem nó truy cập vào những thông tin nào và tiến hành hạn chế nếu muốn, xóa ứng dụng mình không thích để Facebook của bạn không còn được dùng để đăng nhập vào ứng dụng đó nữa.
Nếu nhận thấy một ứng dụng nào đó thu thập quá nhiều thông tin cá nhân, bạn có thể click đường link “Báo cáo ứng dụng” ở bên dưới để thông báo cho Facebook biết đây là app spam, không phù hợp… Nút “Báo cáo ứng dụng” này cũng giúp bạn gửi tin nhắn đến nhà phát triển nó để báo lỗi.
Để ngăn những người dùng Facebook khác sử dụng thông tin của bạn cho các app Facebook của họ, bạn click vào mục “Ứng dụng người khác dùng” rồi bỏ chọn các thông tin bạn không muốn chia sẻ ra bên ngoài.
Minh Thống