Thế giới

'4 người bị giật méo miệng sau tiêm vắc xin COVID-19', sự thật là gì?

Nhiều người dùng Facebook chia sẻ một tài liệu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), theo đó nói có 4 tình nguyện viên bị liệt mặt sau tiêm thử vắc xin COVID-19, kèm hình ảnh 'nạn nhân'. Sự thật thế nào?

Ảnh đăng trên mạng ngày 11-12 là ảnh cũ đã từng đăng năm 2019 - Ảnh: FACEBOOK

Ngày 8-12, Anh bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin BNT162b2 của Tập đoàn Pfizer (Mỹ) hợp tác phát triển với Công ty BioNTech (Đức). Kế đến là Mỹ và Canada vào ngày 14-12.

Trong lúc một số quốc gia bắt đầu tiêm chủng vắc xin COVID-19, tin đồn thất thiệt (fake news) đã lan truyền trên mạng xã hội.

Ảnh một đàng, tài liệu một nẻo

Những ngày qua, nhiều người dùng Facebook chia sẻ một tài liệu của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố ngày 10-12. Tài liệu ghi nhận có 4 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech đã bị liệt mặt tạm thời (chứng liệt mặt Bell).

Bệnh lý này do tổn thương dây thần kinh số VII ngoại biên dẫn đến liệt mặt. Nguyên nhân liệt có thể do chấn thương mặt nhưng đặc biệt là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tật (cảm, tiểu đường...).

Trong phần lớn trường hợp, tình trạng liệt mặt sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng.

Thùng chứa vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech đến sân bay quốc tế Muhammad Ali ở Louisville (Mỹ) ngày 13-12 - Ảnh: REUTERS


Theo Viện nghiên cứu rối loạn thần kinh và tai biến mạch máu não quốc gia Mỹ (NINDS), chứng liệt mặt Bell ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm mang thai, béo phì, huyết áp cao, tiểu đường và các bệnh lý về đường hô hấp trên.

Ngoài ảnh chụp tài liệu của FDA, các bài trên mạng xã hội còn đăng ảnh 3 người mắc chứng liệt mặt Bell.

Theo điều tra của kênh truyền hình Pháp France 24 hôm 16-12 (giờ địa phương), ảnh 3 người méo miệng đã từng xuất hiện tối thiểu ở hai nơi.

Lần đầu tiên ảnh xuất hiện trên tạp chí y học British Medical Journal (Anh) trên trang viết về bệnh liệt mặt Bell với lần cập nhật cuối cùng vào tháng 11-2019.

Ảnh xuất hiện lần nữa trong video phát ngày 23-1-2020 trên một kênh YouTube của Indonesia.

Như vậy ảnh 3 người méo mặt chẳng liên quan gì đến tài liệu ngày 10-12 của FDA.

Nhân viên y tế ở Anh được ưu tiên tiêm chủng vắc xin của Pfizer/BioNTech ngày 16-12 - Ảnh: spectrumnews1.com


Không có liên hệ nhân - quả với vắc xin COVID-19

Tài liệu của FDA là thông tin có thật. FDA đã phân tích kết quả đạt được trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Kết quả cho biết trong 22.000 tình nguyện viên được tiêm vắc xin thử nghiệm COVID-19 có 4 người mắc chứng liệt mặt Bell. Trong nhóm tình nguyện viên dùng giả dược không ai bị liệt mặt.

FDA kết luận dữ liệu thử nghiệm cho thấy có "tình trạng mất cân bằng về chứng liệt mặt Bell" (4 ca trong nhóm được tiêm vắc xin và không có trường hợp nào trong nhóm giả dược).

Tuy nhiên, FDA tin rằng "không có mối quan hệ nhân-quả nào được thiết lập" bởi số ca liệt mặt Bell quá ít và tần suất bị liệt mặt Bell trong thử nghiệm vắc xin tương đương với tần suất xảy ra trong xã hội nói chung.

Từ nhận định đó, FDA không xem các ca liệt mặt Bell là tác dụng phụ của vắc xin và chỉ khuyến nghị nên "giám sát" chứng liệt mặt Bell khi tiêm chủng rộng rãi vắc xin COVID-19.

Kênh truyền hình France 24 kết luận quả thật trong 22.000 người được tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech có 4 trường hợp mắc chứng liệt mặt Bell nhưng FDA kết luận không có mối liên hệ nào giữa vắc xin thử nghiệm với các ca liệt mặt.

Tác giả: HOÀNG DUY LONG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP