Ngày 14-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia. Theo thống kê, với điểm trung bình là 5,915, Nam Định là tỉnh đứng đầu danh sách các địa phương có điểm trung bình chung cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
1.270 bài thi đạt điểm 10
Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Hà Nam (5,891), Ninh Bình (5,817), Bình Dương (5,813), TP HCM (5,8), Vĩnh Phúc (5,743), An Giang (5,725); Hải Phòng (5,706) và Bạc Liêu (5,68).
Gia đình em Bùi Kim Khánh, học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP HCM), xem điểm thi tốt nghiệp sáng 14-7 Ảnh: TẤN THẠNH |
Trong khi đó, ở danh sách 10 địa phương có điểm trung bình chung thấp nhất cả nước, Sơn La đứng đầu với 4,123 điểm, tiếp theo là Hà Giang (4,325 điểm), Hòa Bình (4,652 điểm), Cao Bằng (4,868 điểm), Đắk Lắk (4,976 điểm)… Hà Nội đứng vị trí thứ 26 - không thuộc top 10 địa phương có điểm trung bình chung cao nhất.
Tính điểm của riêng từng môn, Nam Định đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn toán với 6,52 và môn hóa - 5,94 điểm. Đứng đầu môn ngữ văn, lịch sử, địa lý là tỉnh Hà Nam với mức điểm trung bình ngữ văn là 6,31, lịch sử 4,9 và địa lý 6,49 . Đối với môn vật lý, Bắc Ninh là địa phương có điểm trung bình cao nhất với 6,31 điểm. Đối với môn sinh học, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ là 3 tỉnh, thành có mức điểm trung bình cao nhất với 5,22 điểm.
Có tổng cộng 1.270 bài thi đạt điểm 10 ở tất cả các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cụ thể, môn vật lý có 2 thí sinh, môn hóa học và toán cùng có 12 thí sinh, môn sinh học có 39 thí sinh, môn địa lý có 42 thí sinh, môn lịch sử có 80 thí sinh, môn tiếng Anh có 299 thí sinh và cao nhất là môn giáo dục công dân có 784 thí sinh.
Môn tự luận duy nhất trong kỳ thi này là ngữ văn không có thí sinh nào đạt điểm 10 mà có 17 thí sinh đạt 9,5 điểm.
Điểm trung bình các môn cao hơn năm trước
Cả nước có 3.128 thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ngữ văn là môn có nhiều thí sinh bị từ 0 - dưới 1 điểm nhất với 1.265 bài. Tiếp theo là môn tiếng Anh với 630 bài, môn lịch sử 395 bài, môn toán 345 bài. Các môn còn lại là hóa có 187 bài, vật lý 150 bài, sinh học 98 bài, địa lý 47 bài và thấp nhất là giáo dục công dân với 11 bài.
Tỉnh Hà Giang có 6 thí sinh bị điểm 0 (môn ngữ văn 4 thí sinh, môn tiếng Anh 2 thí sinh). Sơn La có 6 thí sinh bị điểm 0 (môn ngữ văn 4 em, môn lịch sử 1 em và môn giáo dục công dân 1 em). Còn tại Hòa Bình, số thí sinh bị điểm 0 là 13 em, trong đó môn toán có 10 thí sinh, môn ngữ văn có 3 em.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy điểm trung bình các môn thi năm nay cao hơn năm trước. Đa số môn thi có mức điểm trung bình ở ngưỡng 5-6. Riêng 3 môn lịch sử, tiếng Anh, sinh học có mức điểm trung bình thấp hơn, ở ngưỡng dưới 5. Cụ thể, trong 569.905 thí sinh dự thi môn lịch sử, có tới 399.016 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỉ lệ tới 70,01%. Đây cũng là môn mà mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75. Ở môn tiếng Anh, TP HCM là địa phương có điểm trung bình cao nhất cả nước với 5,78 điểm, Hà Nội đứng vị trí thứ 4 với 5,01 điểm.
Dồi dào nguồn tuyển
Theo phân tích phổ điểm của các khối thi truyền thống, mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối năm nay là 16-18. Cụ thể, khối A0 có điểm trung bình là 17,73, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19,55.
Ở khối A1, điểm trung bình là 17,39, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17,75. Khối B, điểm trung bình là 16,85, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17,8. Với khối C, điểm trung bình là 15,64, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15,5. Trong khi đó, mức điểm trung bình ở khối D0 là 15,78, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15. Phổ điểm các khối thi đều lệch phải, khoảng 75% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên.
Theo đánh giá của GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau đại học ĐHQG Hà Nội, với phổ điểm này, các trường ĐH hàng đầu sẽ rất thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng đánh giá các trường ĐH tốp giữa bảo đảm được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17-20 điểm dồi dào.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động