Giáo dục

3 chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2022

Một số chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2022 được nhiều người mong chờ.

Tổ chức khám sức khỏe cho người học ít nhất một năm/lần

Ngày 31/12/ 2021 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục Đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022 và thay thế Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 1/3/2000 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.

Theo đó, công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: Chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên, học viên, truyền thông, giáo dục sức khỏe, bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế trường học.

Ảnh minh hoạ.

Về công tác chăm sóc sức khỏe người học, thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người học theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục; Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục; Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực; Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục

Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương

Theo đó, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 3 năm đến 5 năm.

Quy định này có hiệu lực từ 14/2/2022.

Giờ học của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quảng Ninh (ảnh chụp trước 29/4/2021).

Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên

Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.

Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:

- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6.

- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10.

- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11.

- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Tác giả: Hùng Tâm

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP