Tin

'Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông'

"Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp THPT" – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nêu quan điểm khi trao đổi với PV


Học phổ thông chỉ duy trì 9-10 năm?


Ông Lê Trường Tùng cho biết: Clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” – đây là lần đầu tiên xã hội được nghe ý kiến khá đầy đủ của học sinh phổ thông liên quan đến nền giáo dục nước nhà.


Với những gì em học sinh chia sẻ – tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt. Đặc biệt trong bối cảnh đang soạn thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để trình Trung ương xem xét phê duyệt.


Những gì học sinh lớp 12 này nói thêm một lần nữa khẳng định việc đổi mới GDVN là việc cấp bách, và đổi mới phải mang tính chất cơ bản, toàn diện, chứ không thể chỉ dừng lại ở các giải pháp mang tính tình thế.


– Một trong những phát ngôn đáng chú ý của nam sinh này là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về vấn đề này?


Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp Trung học phổ thông (THPT).


Khi đó thời gian học phổ thông chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH.


Khi học trung học, học sinh có thể chọn 6-7 môn, chứ không phải học tất cả các môn như hiện nay. Các nước theo mô hình giáo dục Anh quốc – chẳng hạn như Singapore – đang triển khai giáo dục phổ thông theo dạng này.


– Nếu thực hiện theo đề xuất này của ông, GDVN sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?


Nếu quyết tâm chuyển đổi và dựa trên hệ thống giáo dục Anh quốc thì hoàn toàn có thể sử dụng chương trình, sách giáo khoa của Anh cho các môn Khoa học, Toán, Kinh tế, Nghệ thuật – chỉ phải soạn lại các môn xã hội. Đây không phải là việc khó nếu thực sự muốn làm.


Trong cơ chế toàn cầu hiện nay, đến lúc nào đó tính chất quốc gia chỉ nên giữ lại một phần. Chuyện khung, thời gian chương trình về mặt nguyên tắc phải làm sao đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Học sinh nước ngoài, có thời gian học phổ thông rất ngắn sau đó vào ĐH. Ta dù có học thêm đi chăng nữa sau cũng chỉ vậy mà thôi.


-Nhiều người vẫn lo chuyện “nhập khẩu” tài liệu như ông nói sẽ không phù hợp với năng lực học trò VN?


Những môn về xã hội có thể soạn riêng. Nhưng như đã nói những môn môn Toán, Lý, Hóa, CNTT, Thiên văn,…đâu nhất thiết nước nào soạn chương trình riêng cho nước đó. Đi theo họ 2/3 chương trình đã có sẵn. Dịch sang tiếng Việt không khó. Mua bản quyền còn rẻ hơn biên soạn sách mới.


Phải kiến trúc lại GDVN


Phải chăng chương trình giáo dục phổ thông VN hiện nay đang quá nặng về kiến thức, thiếu dạy kĩ năng sống cho học sinh, thưa ông?


Mục đích giáo dục phổ thông là tạo văn hóa, tri thức chung cơ bản cho mỗi công dân. Nếu theo các nước phát triển, chức năng định hướng nghề nghiệp được thể hiện ngay khi lên trung học học sinh được lựa chọn các môn mình thích.


Bên cạnh ngoại ngữ, CNTT, Toán bắt buộc. Những môn còn lại, 3 4 môn còn lại thích gì thì học đó. Thử hỏi trò phổ thông mấy em ở VN biết đến chứng khoán, công ty là gì. Trong khi những khái niệm ấy nhan nhản trên mặt báo. Nước ngoài, lớp 7- 8 đã có môn dạy về kinh tế, kinh doanh. Và 20 tuổi là có bằng ĐH rồi.


Ví dụ như vậy để thấy giáo dục của ta vừa thừa vừa thiếu. Cần không cần vẫn dạy, cái thiết thực nhiều khi bỏ quên hoặc làm qua loa. Đặc biệt là những kĩ năng mềm hay giáo dục sức khỏe,.. mấy trường học ở ta coi trọng? Trong khi cái đó gắn bó suốt đời với mỗi con người


– Bộ GD-ĐT đang tiến hành công cuộc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015. Ông có nghĩ đề xuất của mình được tiếp thu?


Trong khi Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD VN chưa được duyệt – thì tất cả việc làm khác ở dưới chỉ là tình thế.


Gốc rễ vấn đề là ta chưa quyết được 12 năm hay rút ngắn. Nếu cứ làm (viết sách),…thì đổi mới sẽ chỉ tập trung vào phần ngọn.


GDVN đang thiếu quy hoạch mạch lạc dẫn đến tồn tại nhiều bất cập, thiếu gì thì “đẻ” ra cái đó. Một đô thị vẫn có nhà cửa nhưng thiếu thiết kế nhà cửa ấy sẽ loạn lên. Giáo dục cũng vậy, cần kiến trúc lại cho mạch lạc. Ổn rồi thì dựa vào đó xây dựng mới yên tâm được. Kiến trúc tốt mà xây dựng tồi vẫn có thể có một sản phẩm tồi nhưng kiến trúc tồi kiểu gì cũng không giải quyết được vấn đề.


– Xin cảm ơn ông!

Văn Chung(thực hiện)

VNN

  Từ khóa: Đại Học , Học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP