Dòng Sự kiện

Xuất hiện tài liệu mới, tạm dừng phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng

Sau hơn 1 giờ xét xử, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm vụ án “tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở Vinalines phải tuyên bố dừng phiên tòa vì xuất hiện tài liệu mới.

Tại buổi làm việc chiều nay, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines Bùi Văn Chung được triệu tập tham gia tố tụng. Ông Chung hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH vận chuyển hàng chất lượng cao.

Ông Chung cho biết, trước ngày 1/4/2007, ông giữ chức Trưởng ban Kinh doanh đối ngoại của Vinalines. Ông được bổ nhiệm cùng 1 ngày với Phó Tổng Giám đốc Trần Hữu Chiều, Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc. Dự án mua ụ nổi 83M có nhiều người tham gia trong giai đoạn đầu, ông cũng có tham gia. Tuy nhiên, ông Chung khẳng định không biết Công ty AP và cũng không xem bản chào giá nào của công ty này đối với ụ nổi 83M.

Ngay sau đó, HĐXX truy hỏi về khoản tiền mà bị cáo Trần Hải Sơn khai rút tại Ngân hàng Hàng hải đưa cho các sếp. Ông Nguyễn Tuấn Khang, đại diện Ngân hàng Hàng hải nói về thủ tục giao dịch rút tiền bằng chứng minh thư. Theo đó, không có giới hạn về lượng tiền rút. Tài liệu hồ sơ giao dịch tại ngân hàng được lưu giữ trong 30 năm, nhưng ngân hàng không tra soát được thông tin về lần rút tiền của Trần Hải Sơn như bị cáo đã khai.

Bị cáo Trần Hải Sơn.

Nói về lý do không tra soát được, ông Khang cho biết, cần phải xem lại thông tin cung cấp có đủ để tra soát được không. Để đối chứng lời khai của bị cáo Sơn, HĐXX đề nghị phía đại diện ngân hàng thực hiện thủ tục tra soát lại giao dịch của khách hàng Trần Hải Sơn trong năm 2008, có trả lời chậm nhất vào sáng mai (29/4).

Tiếp tục phiên xử, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Mai Văn Phúc) hỏi bị cáo Trần Hải Sơn.

LS Thiệp: Lúc bị cáo cho em gái Trần Hải Hà 2 tỉ đồng thì nói là tiền gì?

Bị cáo Sơn: Đơn giản là tiền cho em, không nói gì.

LS Thiệp: Việc này diễn ra trong năm 2009, sau khi chị Hà đã giúp bị cáo nhận và chia số tiền 1,666 triệu USD từ Công ty AP chuyển về?

Bị cáo Sơn: (Im lặng)

LS Thiệp: Mai Văn Phúc và Dương Chí Dũng là người có quyết định trong thương vụ ụ nổi 83M, nên tiền nhận về buộc phải chuyển các sếp theo chỉ đạo. Vậy việc chậm đưa tiền cho Dũng, Phúc có lý giải được không?

Bị cáo Sơn: Bận việc.

LS Thiệp: Sao không chuyển một lần mà làm nhiều lần?

Bị cáo Sơn: Vì số tiền ấy quá lớn mà từ lúc chuẩn bị đến chuyển đưa, nếu đưa một lần thì rất khó khăn…

LS Thiệp: Bị cáo đưa tiền cho ai trước?

Bị cáo Sơn: Đến giờ bản thân cũng không nhớ đưa ai trước, ai sau, tiện đưa cho ai thì bố trí đưa cho người đó trước. Lần đầu tiên ra Hà Nội để đưa tiền cho Phúc, Sơn cũng không nhớ có gặp Dũng trong lần đó không.

LS Thiệp: Chiếc cặp bị cáo dùng để đựng tiền đưa Mai Văn Phúc là cặp gì?

Bị cáo Sơn: Đó là túi đựng máy tính, bị cáo không nhớ rõ đặc điểm có bao nhiêu ngăn, vách.

LS Thiệp: Số tiền 2,5 tỉ đồng, nếu là tiền 500.000 đồng thì là 50 cọc tiền (100 tờ/cọc). Nếu số tiền ấy đựng trong túi nilon thì có đút luôn vào cặp được không?

Bị cáo Sơn: Thừa sức đút được, kể cả túi nhỏ như của luật sư cũng đút tốt, chứ không nói đến cái túi to gấp rưỡi như tôi dùng.

LS Thiệp: Đề nghị tòa thực nghiệm lại động tác… đút tiền này.

Sau phần xét hỏi của Luật sư Thiệp đối với bị cáo Trần Hải Sơn, Chủ tọa đề cập đến nhiều văn bản, chứng cứ thu được từ Nga. Trong các tài liệu này có biên bản thẩm vấn các nhân chứng ở Nga, bản xác nhận của phòng nội vụ Nakhodka về ụ nổi và các hợp đồng mua bán. Do các tài liệu này nhiều nội dung và mới nhận, các luật sư chưa có điều kiện để nghiên cứu nên tòa phô tô để cho các luật sư nghiên cứu và tạm dừng phiên tòa và sẽ tiếp tục vào 8h ngày 29/4.

P.V (tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP