Tin Hà Tĩnh

Vụ thu phí xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh: Bổ “đầu khẩu” để tận thu

Để đạt chuẩn xã nông thôn mới theo đúng lộ trình, xã Kim Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) chủ trương thu không sót một khẩu nào.

Dù là trẻ em, hộ nghèo, đối tượng 202 hay gia đình chính sách đều phải gánh trên vai các khoản đóng đậu, có nơi lên đến gần 1 triệu đồng/khẩu cho việc xây dựng nông thôn mới.

Bổ “đầu khẩu” để thu

Theo phản ánh của người dân thôn Kim Thịnh (xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), năm nay thôn chủ trương thu 800.000 đồng/khẩu tiền xây dựng đường bê tông, 100.000 đồng/khẩu tiền làm sân bóng. Tính ra trung bình mỗi lao động nơi đây phải đóng cho thôn gần 1 triệu đồng/năm. Trong đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi đã phải nai lưng gánh các khoản thu xây dựng NTM, người già từ 60 – 79 tuổi thì thu 50%, hộ nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh đều phải đóng nộp.

Gia đình chị N.T.H (thôn Kim Thịnh) có 3 khẩu, năm nay phải đóng cho thôn 3 triệu đồng tiền phí xây dựng nông thôn mới, đó là chưa tính các loại thuế sản khác. Chị H. thởi dài: “Cháu sau mới sinh được gần 2 tháng chưa khai sinh nên chưa phải đóng chứ cháu đầu 2 tuổi cũng được tính là 1 khẩu đóng nộp đóng nộp gần 1 triệu đồng phí xây dựng nông thôn mới cho thôn”

Gia đình chị T.T.T. thuộc diện hộ nghèo và đối tượng 202 nhưng vẫn không được miễn giảm bất cứ khoản phí nào

Bi đát hơn, gia đình chị T.T.T. có 5 nhân khẩu. Chị T. là hộ nghèo mấy năm nay, chồng chị bị bệnh động kinh thuộc đối tượng 202. Thế nhưng gia đình chị không được miễn giảm khoản phí nào, năm 2017, chị T. phải đóng 1.500.000 đồng/5 khẩu, chưa tính các khoản thu khác. Năm 2018 này chị T. tiếp tục đóng 800.000 đồng/khẩu tiền bê tông, 100.000 đồng/khẩu tiền sân bóng thôn. Chưa tính các khoản thu khác, chỉ riêng phí xây dựng nông thôn mới gia đình chị phải đóng 4,5 triệu đồng cho thôn.

Chị T. buồn rầu: “Cả nhà chỉ trông chờ vào chưa đến 2 sào ruộng của chồng, không đủ ăn nên mấy năm nay tôi phải mượn thêm ruộng của người khác để sản xuất. Kiếm sống hằng ngày còn vất vả nên cứ nghe loa nộp phí sản là tôi lại lo. Vụ tháng 5 (lúa hè thu) vừa rồi tôi bán lúa nộp trước 1 nửa, chờ đến vụ tháng 10 (lúa đông xuân) lại bán lúa nộp tiếp”.

Biết sai nhưng vẫn phải thu

Để làm rõ thực hư, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hải Sơn, trưởng thôn Kim Thịnh thì ông cho rằng, gia đình chị T. chưa thực sự nghèo và chồng chị T. là đối tượng 202 nhưng chỉ bị bệnh động kinh, thỉnh thoảng lên cơn còn bình thường vẫn đi gặt, đi cấy được. Thế nên gia đình chị T. vẫn phải đóng đậu như các hộ gia đình khác. “Ở Kim Thịnh không có hộ nghèo đúng nghĩa mà chỉ có những gia đình có người nhà ốm đau, kinh tế có sa sút nên họ xin hộ nghèo thôi. Còn thực chất ở Kim Thịnh không có hộ nghèo?!”, ông Sơn nói.

Việc tận thu khiến nhiều gia đình ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”

Cũng theo ông Sơn, cứ có hộ khẩu đóng trên địa bàn đều phải đóng nộp cả, chỉ có đối tượng nào chính đáng mới được giảm 50%. Thực tế những hộ được miễn giảm theo quy định nhà nước mà thu là sai nhưng xã chuẩn bị đạt chuẩn nông thôn mới nên phải vận động thu. Nếu không thu những đối tượng này thì gánh nặng sẽ đè lên vai những lao động khác”, ông Sơn nói.

Còn ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Kim Lộc thừa nhận ở thôn Kim Thịnh thu 800.000 đồng/khẩu là quá sức với một vài hộ dân. Ông Hữu cũng cho rằng, tiền đóng góp xây dựng NTM đều được bàn bạc ở thôn và thông qua người dân hết. Còn về đối tượng thu xã sẽ kiểm soát việc thực hiện ở các thôn.

Tác giả: Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP