Kinh tế

Liên tục đòi tăng thuế: Đánh thẳng vào túi tiền của dân

Bộ Tài chính liên tục bảo vệ quan điểm tăng thuế VAT từ 10% lên 11-12%, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có xăng dầu. Vì sao Bộ Tài chính lại “nhắm” đến các sắc thuế này?. Thời gian tới, người dân có thể sẽ phải chứng kiến nhiều khoản thuế tăng lên. Những loại thuế này, doanh nghiệp thường là "địa chỉ" thu hộ, còn người dân là điểm cuối cùng phải chi trả.

Ngân sách tăng, cảnh báo tăng trưởng giảm

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính liên tục gây xôn xao dư luận với các đề xuất tăng thuế nội địa, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11-12% và tăng thuế bảo vệ môi trường (kịch khung với xăng 4.000 đồng/lít).

Các lý do chủ yếu thường được Bộ Tài chính đưa ra là vì thuế nhập khẩu giảm nên cần tăng thuế khác bù vào việc thu ngân sách giảm, nợ công cao,...

Thực tế, nếu thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.

Giá cả hàng hóa có khả năng tăng nếu thuế tăng đồng loạt. Ảnh: L.Bằng

Chẳng hạn, khi thuế bảo vệ môi trường lần đầu được áp dụng vào năm 2012 (xăng là 1.000 đồng/lít; dầu diesel 500 đồng/lít,...), ngân sách năm 2012 mới chỉ thu được hơn 11 nghìn tỷ đồng. Nhưng đến 1/5/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng tới 3 lần thì thu ngân sách tăng vọt, gấp hơn 4 lần. Từ mức hơn 11 nghìn tỷ của năm 2012, số thuế môi trường thu được năm 2017 lên đến hơn 44,8 nghìn tỷ đồng.

Tính chung giai đoạn 2012-2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã chạm đến con số trên 150 nghìn tỷ đồng. Nếu đợt tăng thuế bảo vệ môi trường lần này được thông qua, ngân sách có thể tăng thêm khoảng 15.000 tỷ/năm.

Ngân sách tăng thu, song tính toán sơ bộ của TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban phân tích và dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cho thấy một điều đáng lo ngại. Đó là tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 4.000 đồng/lít ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP.

Cụ thể, việc tăng thuế môi trường sẽ làm tăng trưởng GDP năm 2018 giảm 0,19%. Những năm sau, mức độ giảm cũng nhiều hơn. Năm 2019 giảm 0,25%; năm 2020 giảm 0,22%; năm 2021 giảm 0,26%. Trong đó, khu vực dịch vụ bị giảm tăng trưởng nhiều nhất.

Việc tăng thuế giá trị gia tăng cũng có tác động tương tự. Nếu thuế VAT tăng 1 điểm phần trăm (từ 10% lên 11%) thì GDP giảm 0,5%. Giá cả sẽ tăng lên, tiêu dùng giảm đi.

TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, cũng bày tỏ quan điểm “không nên tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường”. Bởi, việc tăng thuế này ảnh hưởng đến tăng trưởng và hoạt động của khu vực doanh nghiệp.

Thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường tăng mạnh. Biểu đồ: L.Bằng

Vì sao là thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường?

Đầu 2018, trong một cuộc gặp gỡ báo chí, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành thời gian để nói về một trong những vấn đề hệ trọng nhất của ngành tài chính, đó là “tái cơ cấu chính sách thu”.

“Chúng ta đang trong điều kiện hội nhập và mở cửa, lộ trình cắt giảm thuế quan của chúng ta đến nay đã rất sâu. Cùng với đó, giá dầu thô thế giới chỉ ở mức trung bình như hiện nay. Tỷ trọng thu xuất nhập khẩu và dầu thô những giai đoạn trước chiếm đến 35-37% trong tổng thu ngân sách thì đến nay chỉ còn 3,5-4% trong tổng thu ngân sách”, ông Đinh Tiến Dũng giãi bày.

Vì lý do đó, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng “phải chuyển chính sách thu vào thu nội địa”.

Việc liên tục đề xuất tăng các loại thuế nội địa kể trên chính là để hiện thực hóa chủ trương chuyển hướng thu ngân sách của ngành tài chính. Chủ trương ấy cũng đã được ghi rõ trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020

“Thu nội địa” - có nghĩa là thu từ khu vực dân doanh trong nước, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa dịch vụ.

Tuy nhiên, ngay bản thân các khoản thu nội địa cũng có sự chuyển hướng mạnh từ việc thu từ các loại thuế thu nhập (ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp) sang thuế tiêu thụ, thuế gián thu (thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường,... ). Cho nên một mặt liên tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mặt khác Bộ Tài chính tăng các loại thuế như thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường,...

Những loại thuế kể trên doanh nghiệp thường là "địa chỉ" thu hộ, còn người dân là khâu cuối cùng phải chi trả khi tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ. Cho nên, các loại thuế này cũng được cho là dễ thu hơn, đỡ rối rắm hơn thuế thu nhập. Vì thế, thời gian tới, người dân có thể sẽ phải chứng kiến nhiều khoản thuế liên quan tiêu dùng hàng hóa tăng lên, bù đắp cho thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống. Hiện hữu nhất chính là đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít, dầu diesel tối đa 4.000 đồng/lít.

Việc đẩy mạnh thu nội địa đã giúp ngân sách cải thiện đáng kể. Đơn cử năm 2017 thu nội địa chiếm tới 83% trong tổng thu ngân sách, tăng hơn 2 lần so với năm 2011. Nhưng Bộ trưởng Tài chính cho rằng “còn phải phấn đấu lên 85%”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh từng nhận xét: Việc tăng thuế tiêu dùng nếu đồng hành với cắt giảm thuế thu nhập là biện minh được. Tuy nhiên, nếu mục đích của tăng thuế tổng thể chỉ để bù đắp cho chi tiêu công lại là không thuyết phục. Tăng thuế chỉ để bù đắp bội chi là phản cảm!

Nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra rằng, tăng thuế mà không giảm mạnh chi tiêu, nhất là chi thường xuyên, thì chỉ mang đến gánh nặng cho người dân.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP