Kinh tế

Hà Tĩnh thực hiện các giải pháp thu hút người lao động

Môi trường làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở Hà Tĩnh ngày càng chuyên nghiệp.

Môi trường làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở Hà Tĩnh ngày càng chuyên nghiệp.


Mong muốn có việc làm tại quê nhà

Trở về quê hương sau hành trình dài hơn 1.000 km từ TP Hồ Chí Minh về Hà Tĩnh trên chuyến tàu SE14, anh Nguyễn Văn Ðường ở xã Ðỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) cho biết: Từ giữa tháng 6/2021, dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh bùng phát, khiến các nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, vợ chồng anh mất việc làm, mọi sinh hoạt của bốn thành viên trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Rất may, gia đình được quê hương đón về tránh dịch. Sau thời gian cách ly y tế tập trung, vợ chồng anh Ðường sẽ đến các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn Hà Tĩnh tìm kiếm cơ hội việc làm. Với trình độ, tay nghề tiếp thu trong môi trường công nghiệp tại miền nam, anh Ðường tự tin khi tìm việc làm tại các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực may mặc, da giày tại địa phương.

Trở về từ các khu công nghiệp ở Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh từ ba năm trước, giờ đây chị Nguyễn Thị Giang (xã Lâm Trung Thủy, huyện Ðức Thọ) đã là tổ trưởng sản xuất của Công ty bao bì sông La Xanh. Chị Giang chia sẻ, vợ chồng chị vào miền nam làm việc từ năm 2006, với mức lương bình quân của hai người khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà trọ, ăn uống… không đủ để nuôi hai con ăn học, đành phải gửi các cháu về học ở quê, nhờ ông bà chăm sóc. Năm 2018, qua tìm hiểu nhu cầu lao động tại quê nhà, hai vợ chồng quyết định về quê để tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhờ có tay nghề, chị Giang được công ty tuyển dụng và tạo điều kiện làm việc lâu dài. Thu nhập ở quê tuy có thấp hơn, nhưng bù lại sau mỗi ngày làm việc, chị được về nhà, có điều kiện gần gũi bố mẹ, chăm sóc con cái học hành.

Hà Tĩnh hiện có hơn 112.800 lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, tỷ lệ lao động giản đơn chiếm hơn một phần hai. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống của người lao động, nhất là các công nhân đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía nam gặp rất nhiều khó khăn. Ðể giảm áp lực phòng, chống dịch cho các tỉnh phía nam, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang tổ chức các chuyến tàu đưa đón công nhân, người lao động về quê. Tính đến cuối tháng 7/2021, đã có hơn 2.000 người trở về quê nhà, đang thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại địa phương. Qua rà soát của cơ quan, đơn vị chuyên môn, hầu hết lao động về quê tránh dịch đều mong muốn tìm được việc làm ổn định tại địa phương.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh Ðặng Văn Dũng cho biết, sau thời gian ưu tiên phát triển công nghiệp luyện thép, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển kinh tế với bốn mũi nhọn trọng điểm bao gồm: Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Xu hướng phát triển này mở ra cánh cửa lớn thu hút lực lượng lao động địa phương và những người Hà Tĩnh đang làm việc ở các tỉnh khác trở về tiếp cận cơ hội việc làm ổn định, lâu dài. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động, đến năm 2023 dự kiến là 10.000 người. Với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng đến 10,5 triệu đồng/tháng, các doanh nghiệp đang tạo ra sức hút đối với người lao động.

Bà Trần Thị Hương Giang, phụ trách bộ phận nhân sự Công ty TNHH Havina Hồng Lĩnh cho biết, dây chuyền sản xuất các sản phẩm găng tay thể thao, găng tay công nghiệp, trang phục thể thao có công suất 9,9 triệu sản phẩm/năm của doanh nghiệp cần 4.000 lao động vận hành. Thời điểm này đơn vị mới tuyển được hơn 1.100 công nhân. Vì vậy, công ty sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương thông báo rộng rãi nhu cầu tuyển dụng, chế độ phúc lợi dành cho công nhân để thu hút lao động, nhất là lực lượng lao động xa quê. Ngoài đức tính cần cù, chịu khó của người dân địa phương, những lao động từng làm việc tại các khu công nghiệp lớn có tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề cao. Vì vậy, những người này sẽ được nhận vào làm ngay, không cần trải qua công đoạn học việc, đào tạo sau tuyển dụng.

Khảo sát thực tế tình hình sử dụng lao động tại các nhà máy, cụm công nghiệp trên địa bàn thấy rằng, môi trường làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp khá sạch sẽ, hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị sản xuất chưa có ký túc xá, nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ… Vì vậy, người lao động phải di chuyển quãng đường khá dài trước và sau mỗi ca làm việc, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của công nhân. Ngoài ra, theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Hường, mặc dù các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn song chế độ đãi ngộ, nhất là tiền lương chưa tương xứng với mức giá tiêu dùng hiện nay, gây ra những trở ngại trong quá trình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và người lao động.

Theo Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh Ðặng Thanh Hải, thời gian qua các doanh nghiệp đã thành lập các tuyến xe đưa đón công nhân, hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe nhằm chia sẻ khó khăn cho người lao động. Ðịa phương đang huy động nguồn lực xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân, thực hiện một số chính sách thu hút người lao động đến định cư tại địa bàn. Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cho biết, nhà ở là một trong những vấn đề cốt lõi thực hiện an sinh xã hội, vì vậy, cùng với việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, địa phương đang đề xuất với tỉnh tăng diện tích cho thuê đất để các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ công nhân.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đang diễn ra cục bộ ở một số doanh nghiệp, địa phương, do nhân lực làm việc ở ngoài tỉnh còn nhiều. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, đối thoại doanh nghiệp, cung cấp các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các công trình, dự án trọng điểm, nhu cầu lao động để thu hút người lao động trở về quê hương làm việc; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho con em Hà Tĩnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân…

Bên cạnh đó, để người lao động gắn bó với quê hương, tỉnh Hà Tĩnh cần xây dựng chiến lược đào tạo, giải quyết việc làm lâu bền, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thị trường, đồng thời kết hợp doanh nghiệp lựa chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để người lao động thích ứng với mọi môi trường việc làm.

Tác giả: NGÔ TUẤN

Nguồn tin: Báo Nhân Dân

  Từ khóa: Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP