Tin Hà Tĩnh

Có một nghề cực nhọc mang tên 'phu cá' cho đàn bà nơi cửa biển

Trong đêm tối, những nữ phu cá âm thầm đội những mẻ cá nặng nhọc lên trên mình để mưu sinh kiếm kế sinh nhai. Trong sâu thẳm, đó không chỉ đơn thuần là nghề kiếm sống...

Mỗi ngày đội cả tấn cá, tôm..

Trong màn đêm tối đen như mực, con đường dẫn đến cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) càng heo hút, lạnh lẽo khi âm thanh của những chú côn trùng kêu văng vẳng ở bãi cát bên kia bờ biển.

Đặt chân đến cảng Cửa Sót đúng 4h sáng, hương vị mặn mòi của biển cùng mùi tanh riêng biệt của tôm cá hòa lẫn vào nhau tạo nên một mùi hương đặc biệt. Ở vào dịp cuối năm nên cái lạnh càng tê tái hơn khi những cơn gió mùa đông bắc thổi ràn rạt tràn từ biển vào xối xả vào mặt.

Trong không gian mờ ảo với chút ánh sáng lấp lóe nơi những con tàu cá đầy khoang lộ rõ hình ảnh những người phụ nữ chân đất đội từng khay tôm, cá… từ dưới tàu lên bờ, người ướt nhẹm, run lên từng hồi trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt.

Vì cuộc sống mưu sinh, những người phụ nữ chân yếu tay mềm phải làm những công việc nặng nhọc

Người ta gọi họ là những nữ phu cá. Đối với đàn ông còn "khiếp vía" nói gì đến người phụ nữ tay yếu chân mềm. Nhưng đối với họ, đó là một cái nghề trụ cột, bởi ở vùng này không còn nghề nào khác nhàn rỗi hơn. Bà Nguyễn Thị Lý (57 tuổi), trú tại xã Thạch Kim là 1 trong số 22 nữ phu tại cảng. Hơn 5 năm nay, không một đêm nào trọn giấc ngủ. Từ 3h sáng, bà phải dậy lục đục chuẩn bị hành trang để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Với bộ quần áo cũ mèm, đôi mắt thâm cuồng vì thiếu ngủ, bà Lý tâm sự về quãng đời vất vả của mình.

Vốn là cô gái được sinh ra trong một gia đình đông con ở miền biển, thủa nhỏ bà Lý sống dựa vào những con tôm, con cá nơi biển khơi. Sau khi nên duyên và kết hôn với chàng trai xóm bên, bà sinh được 5 người con. Rồi hai vợ chồng sắm một chiếc thuyền nhỏ để đi biển. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm 2013, chồng bà gặp nạn rồi chết trên biển. Kể từ đó, gia đình mất đi người trụ cột, mọi thứ bị xáo trộn, việc làm không có, nhà đông con, bà Lý cũng xin đi làm thuê ở các vùng khác kiếm tiền nhưng do đường xa, không chăm sóc được con cái đành nghỉ.

Mỗi ngày những người phụ nữ mưu sinh nơi đây phải đội cá tấn cá lên bờ

Mỗi khi nhìn biển nỗi đau mất chồng năm xưa lại hiện hữu, bà từng hứa với bản thân sẽ không bám biển, bởi sợ sự mất mát, sợ đau thương, sợ mỗi lúc biển giận giữ trách phạt ngư dân. Thế nhưng, vì khó khăn, bà đành xuống xin làm phu cá ở cảng Cửa Sót. "Sau khi chồng mất, tôi từng nghĩ mình nên chọn nghề khác, bỏ không muốn làm gì liên quan đến biển, vì mỗi lần ra nhìn biển tôi lại thương chồng. Nhưng thực ra không có nghề nào khác nữa, ở đây không đi biển thì làm phu cá chứ không có nghề nào hơn", bà Lý nói.

Dứt lời, ánh mắt của người phụ nữ sát tuổi 60 hướng nhìn về biển, nỗi đau năm xưa lại thêm một lần nữa đâm xé vào lòng ngực. Nhưng cái ký ức đau buồn vừa gợi về lại bị dập tắt khi tiếng còi của chiếc tàu sắp cập bến mang theo cá tôm đầy khoang. Bà Lý lẳng lặng mang rổ nhựa của mình lại đặt ở thuyền rồi tiếp tục công việc mưu sinh.

Gánh nặng tương lai

Ở cảng này, những nữ phu đều có hoàn cảnh khó khăn, họ được xem là trụ cột trong gia đình. Đa phần những nữ phu đều ở cái tuổi đáng nhẽ được nghỉ ngơi, nhưng họ vẫn cố gắng làm việc, mưu sinh kiếm sống.Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Long, trú thôn Đông Hải, xã Thạch Kim vẫn ròng rã mưu sinh. Ngày nào người đàn bà này cũng thức dậy từ 3h sáng chuẩn bị các dụng cụ rồi ra cửa biển để "hành nghề". Tính đến nay bà tròn 10 năm làm nghề phu cá. Trong những năm làm nghề phu cá, bà không nhớ bao nhiêu lần mình bị ngã bầm tím người. Nhưng vì công việc, nghĩ đến bữa ăn trong nhà bà lại phải gồng mình để mưu sinh. Với bộ quần áo ướt chũng, khuôn mặt để lộ những nếp nhăn bà Long cười nói: "Ở làng này già mới theo nghề này thôi".

Trong sâu thẳm, phu cá không chỉ đơn thuần là nghề kiếm sống, với những người phụ nữ nghèo khổ nơi đây, biển là ký ức, nuôi dưỡng thế hệ tương lai.

Người phụ nữ ngoài 70 lý giải, nơi vùng biển, những người còn sức lực, tuổi trẻ họ đi tìm công việc khác nhàn rỗi, có tiền hơn. Còn đối với nghề phu cá đã không được coi trọng lại còn bấp bênh, nhất là công sức bỏ ra nhiều nhưng cuối buổi chỉ được chi trả bằng hiện vật tôm cá. Nhưng nếu ở nhà, không có việc làm, cái ăn, cái mặc cũng chật vật nên những người phụ nữ có tuổi ở đây vẫn phải ra cảng để mưu sinh. Mỗi ngày làm việc của bà Long và các nữ phu khác trôi qua khoảng 2h đồng hồ. Thứ dụng cụ duy nhất là khay đựng cá, mỗi người đều có khoảng 5-7 khay đựng, khi tàu cấp bến, họ sẽ nhận chuyển từng khay hàng lên bờ với giá tự thỏa thuận. "Cái lạ của nghề phu cá là họ cho thế nào lấy vậy, không đòi hỏi, không trả giá. Khi con tàu về mà trúng thì họ sẽ cho nhiều, còn không thì cho ít. Đa phần họ trả bằng tôm, cá, những thứ mà chủ tàu làm ra được", bà Long tâm sự.

Nhận tôm, nhận cá sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những nữ phu tập trung sản phẩm mà mình được trả rồi bán lại cho thương lái. Mỗi ngày nếu may mắn thì kiếm được 80.000 - 150.000 ngàn đồng, nhưng có những ngày tiền công không mua nổi bát bún. Những nữ phu chia sẻ, chỉ trừ ngày bão, còn bất kể nắng hay mưa những "nữ phu" vẫn xuống biển để làm việc. Nghề này không chỉ là kế sinh nhai mà nó như đã ngấm ngầm vào sâu da thịt, nên khi nào nghỉ làm, họ nói ngày đó là ngày buồn nhất. "Nếu như ngày nào thiếu mùi tanh của cá, hương vị của biển là xem như ngày đó buồn nhất", đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh (57 tuổi), trú thôn Xuân Phượng (Thạch Kim).

Một góc khu vực cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Bà Thanh chia sẻ, từ năm 25 tuổi bà theo nghề phu cá đến nay được gần 30 năm. Những năm làm nghề này rất cực, mỗi ngày tính ra bình quân mỗi nữ phu phải đội, cõng hàng tấn cá lên bờ. Do đã có tuổi, nên đêm về đau mỏi chân, tay và có những lúc thở thôi cũng mệt.

"Ba đứa con ăn học cũng nhờ đồng tiền ít ỏi kiếm được nhờ vào nghề này. Khay đựng cá nặng lắm, từ 35-50kg nên người thường khó có thể mà khuân chúng rồi leo qua 13 bậc thang để lên bờ. Thật ra phải làm, đây là nghề, phần nữa đi ra biển thấy vui lắm, nó như một phần cuộc sống của tôi vậy", bà Thanh nói.

Tác giả: Khánh Chi

Nguồn tin: giadinh.net.vn

  Từ khóa: phu cá , ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP