Trong nước

Cán bộ nộp lại tiền "lót tay" của Việt Á có được thoát tội?

Một cán bộ y tế tỉnh Phú Thọ nhận hơn 2 tỷ đồng tiền "lót tay" từ Công ty Việt Á nhưng nhiều tháng sau mới báo cáo và nộp lại số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh Phú Thọ.

Liên quan đến vụ Việt Á, như tin Dân trí đã đưa, ông Trần Gia Phú - Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - đã nhận hơn 2 tỷ đồng tiền "lót tay" từ Công ty Việt Á này.

"Việc nhận số tiền nêu trên, ông Trần Gia Phú không báo cáo với Ban giám đốc bệnh viện cũng như Ban giám đốc Sở Y tế. Chỉ đến khi đoàn thanh tra đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (ngày 25/1/2022), ông Trần Gia Phú mới báo cáo sự việc và xin nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á"- kết luận của Thanh tra tỉnh Phú Thọ cho hay.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Thế Kha).


Ngày 27/1/2022, ông Trần Gia Phú đã nộp toàn bộ số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh Phú Thọ theo quyết định thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ.

Trước thông tin trên, nhiều bạn đọc thắc mắc: Trong vụ việc tham nhũng, chưa khởi tố mà mới đang trong quá trình điều tra, người vi phạm nộp lại tiền/ tài sản tham ô thì có bị xử lý, khởi tố nữa không? Đây có được coi là tình tiết giảm nhẹ?

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty luật TNHH LSX khẳng định: Nộp lại tiền vẫn khởi tố bình thường, việc này chỉ giúp cho thi hành án sẽ đơn giản hơn do đối tượng đã nộp tiền tham nhũng. Đây cũng sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ khắc phục hậu quả.

"Khắc phục hậu quả" được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Bị can, bị cáo có thể nộp tiền khắc phục hậu quả hay tiền do phạm tội mà có tại quá trình điều tra hoặc trước, trong và sau giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực.

Tòa án sẽ căn cứ số tiền đã nộp của bị cáo để coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhận hối lộ từ một tỷ đồng trở lên có thể lĩnh án 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, theo điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình.

Cũng liên quan đến việc "nhận quà và trả quà" của Công ty Việt Á, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước (CDC Bình Phước) đã mua của Công ty Việt Á khoảng 87.392 kit test Covid-19 và 47.900 kit tách chiết với tổng số tiền là 41,5 tỷ đồng. Sau những hợp đồng này, Công ty Việt Á có đến "gửi quà" lãnh đạo CDC Bình Phước.

Đầu tháng 1/2022, ông Nguyễn Văn Sáu (khi đó còn là Giám đốc CDC Bình Phước) xác nhận: "Đầu tháng 12/2021, đại diện của Công ty Việt Á có lên gặp và gửi quà, đến tối tôi có kiểm tra thì đó là quà của công ty gửi cho tôi. Việc này tôi đã báo cáo tổ chức, báo cáo lãnh đạo các cấp. Phần quà này sau kỳ nghỉ lễ tôi sẽ nộp lại cơ quan chức năng".

Ông Sáu cũng khẳng định "không có một thỏa thuận hay cam kết nào về tỷ lệ phần trăm hoa hồng giữa đơn vị cung cấp vật tư sinh phẩm Việt Á với trung tâm".

Ngày 8/4, ông Nguyễn Văn Sáu bị cách chức Giám đốc CDC Bình Phước do có vi phạm nghiêm trọng trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống Covid-19.

Tác giả: Hải Hà

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP