Giáo dục

Bạo lực học đường: Đừng đổ hết lỗi cho ngành giáo dục

Trong khi các đại biểu đang thảo luận sôi nổi Luật Giáo dục (sửa đổi) thì bên lề hành lang Quốc hội đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên về một số vấn đề “nóng” của ngành giáo dục

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Ông nhìn nhận thế nào về một số vụ việc bạo lực học đường liên tục xảy ra trong gần đây?

Đúng là gần đây, báo chí phản ánh khá nhiều về vấn đề bạo lực học đường. Nhưng có bao nhiêu vụ việc thầy cô giáo đánh học sinh, trong số hơn một triệu giáo viên thì có bao nhiêu người đánh học sinh? Theo tôi, chúng ta phải nhìn một cách tổng thể trên toàn đất nước chứ đừng biến cái cá thể, điểm nóng để thành bản chất để quy chụp thầy cô giáo. Oan cho các thầy cô. Một vài trường hợp, không phải là hiện tượng phổ biến thì chúng ta phải đánh giá hết sức khách quan, hết sức bình tĩnh và xem xét việc này trong quá trình phát triển xã hội. Có những trường hợp thầy cô giáo nóng nảy, đánh học sinh. Nhưng sau khi đánh xong họ có ân hận hay không? Nhiều trường hợp chỉ vì muốn cho con mình, học trò mình học giỏi, học tốt thì có thể xảy ra những việc như vậy.

Tuy nhiên, rõ ràng những vụ việc xảy ra cũng cho thầy cô một bài học về tính kiên nhẫn của nghề giáo và đây cũng là một vấn đề đặt ra trong quá trình đào tạo sư phạm, ta phải làm sao phải đào tạo được các thầy cô giữ được chữ nhẫn và sự bình tĩnh trước học sinh.Và phải coi học sinh là quá trình đang phấn đấu, rèn luyện, phát triển thì có thể xảy ra việc này việc kia là đương nhiên, thì mình phải dùng các biện pháp để giáo dục.

Về vấn đề này, tôi cho rằng, công tác tuyên truyền của chúng ta cũng cần phải lưu ý. Nếu không, đổ hết lên đầu ngành giáo dục là không nên.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường?

Vấn đề bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân đầu tiên là học sinh. Bản thân học sinh đang trong quá trình phát triển nhạy cảm thì phải rèn luyện sao cho các em đi đúng định hướng.

Hai là nhà trường, làm sao phải giáo dục đi trước, định hướng trước. Làm sao để các em tuân thủ nội quy, quy trình của nhà trường, rèn luyện ở trong chính môi trường của nhà trường rất quan trọng.

Thứ ba là gia đình. Vì sao gia đình lại đổ hết cho thầy cô giáo. Gia đình, con mình học như thế nào mình phải hiểu. Học sinh chịu rất nhiều áp lực, nhiều gia đình con về thi điểm kém thì gây áp lực lên con. Lẽ ra phải động viên con hôm nay con học kém thì mai phải cố gắng lên, đó chính là động lực cho đứa trẻ.

Thứ tư là xã hội. Chúng ta phải công bằng với học sinh và các thầy. Cả xã hội phải có trách nhiệm tập trung vào động viên các thầy, giúp đỡ các cháu, coi đây là một môi trường tạo ra cơ hội để thầy cô và học trò gặp nhau ở một điểm đó là dạy tốt học tốt như khẩu hiệu lâu nay vẫn đặt ra.

Ngay trong xã hội hiện cũng có hai quan điểm, thứ nhất là “Yêu cho roi cho vọt”, trong khi quan điểm ngược lại là tuyệt đối không được xử phạt học sinh dù bất kỳ tình huống nào, quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng dùng bạo lực với học sinh là không được nhưng nếu nhẹ nhàng, không có hình thức kỷ luật khi các em hư cũng không được. Mà điều cơ bản ở đây là khi các em có vi phạm phải giáo dục, răn đe, chấm điểm các em về mặt đạo đức. Hiện nay ta có điểm môn đạo đức công dân cơ mà. Bên cạnh đó, nhà trường phải kết nối với gia đình để giáo dục các em.

Chuyện đánh, bạt tai, đuổi ra khỏi lớp theo tôi đó là tối kiến chứ không phải là sáng kiến. Bởi vì các cháu là học sinh, đuổi các em ra khỏi trường khỏi lớp một tuần, một tháng thì các em còn theo kịp được kiến thức hay không? Trong giáo dục không cho phép như thế.

Đánh đập không được, quỳ không được, tất cả các hình thức đụng chạm vào thân thể học sinh đều không được phép. Nhưng phải có hình thức xử phạt để đảm bảo kỷ cương trường học như áp dụng hình thức chấm điểm kỷ luật nề nếp hay đưa ra kiểm điểm trước tập thể học sinh để rút ra bài học để các em đóng góp cho nhau…

Bên cạnh bạo lực học đường thì gian lận thi cử cũng là một vấn đề "nóng" của ngành giáo dục. Ông có hài lòng với việc xử lý vụ việc này thời gian qua?

Xét về trách nhiệm theo tôi có 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Trước hết là học sinh và gia đình phải chịu trách nhiệm khi chạy chọt mua điểm cho con, thứ hai là nhà trường và thầy giáo, những người đồng lõa, giúp đỡ, nhận tiền để nâng điểm, thứ 3 là địa phương và cơ quan quản lý giáo dục phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thi cử. Người đứng đầu, tư lệnh ngành cũng phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước. Cần phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các bên để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức các kỳ thi sau tốt hơn.

Tuy nhiên, gian lận thi cử diễn ra ở 3 địa phương từ năm 2018, đến nay đã là năm 2019 rồi nhưng việc xử lý của chúng ta như vậy tôi cho là chậm. Bây giờ đến mùa thi năm 2019 rồi mà vấn đề đó còn nhiều điểm vẫn chưa kết luận được. Như thế không ổn. Tại sao không kết luận được. Chúng ta phải làm để rút kinh nghiệm, chuyện sai thì phải sửa. Địa phương xử lý quá chậm, và theo tôi chúng ta không nên dấu diếm hay bí mật gì cả, cần phải công khai minh bạch để mọi người dân và các em học sinh thấy rằng mình phải có lòng tự trọng, đừng để đến khi học mà bị phát hiện ra gian lận, để sau này sẽ không làm gì vi phạm trong quá trình thi cử.

Tác giả: Châu Giang

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP