|
Chiều 11-6, thông tin từ Văn phòng đại diện của báo tại Hà Nội mang đến cho nhiều người trong cơ quan dự cảm xấu: PV Đặng Thị Tuyền (bút danh Hải Đường) mất tích, kèm theo đó là những nỗ lực tìm kiếm.
Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã mất ngủ cầu nguyện nhưng phép màu đã không xảy ra. Đến chiều tối 12-6, thi thể PV Hải Đường được tìm thấy trên một bãi bồi nhỏ giữa sông Hồng, cách nơi được cho là mất tích (bến đò thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hơn 2 km. Thông tin PV Hải Đường qua đời do gặp tai nạn đuối nước khiến đại gia đình báo Pháp Luật TP.HCM và nhiều đồng nghiệp rụng rời. Vậy là Hải Đường đã rời xa chúng ta!
1.
Năm 2016, Hải Đường về Hải Phòng làm PV thường trú. Qua quá trình lân la tiếp cận, tìm hiểu các băng nhóm giang hồ, trao đổi với nhiều cảnh sát hình sự, Hải Đường gửi về tòa soạn loạt bài “Giang hồ khét tiếng sa chân trên đất Cảng”. Cùng đó là bài đối thoại với trưởng phòng PC45 TP Hải Phòng với nhiều câu hỏi gay cấn về công tác trấn áp tội phạm. Vệt bài gây chú ý trong dư luận.
Là PV nữ nhưng Hải Đường không ngại khó, luôn có mặt ở những điểm nóng để kịp đưa về tòa soạn các thông tin nóng hổi, chính xác. Xử lý bài vở của Hải Đường, chúng tôi không ít lần ngạc nhiên về bản lĩnh nghề nghiệp của cô. Lần viết bài phản ánh việc dân không đóng đủ tiền nông thôn mới nên bị phê xấu lý lịch ở xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương, cô dí tận nơi (nghĩa đen) để chất vấn lãnh đạo chính quyền với những câu hỏi hóc búa. Nghe câu trả lời kiểu thoái thác, né tránh: “Chúng tôi đã làm đúng quy định”, không đầu hàng, cô lùng sục mọi ngõ ngách để có thông tin. Kết quả sau đó địa phương đã xử lý cán bộ phê sai.
Phóng viên Hải Đường. |
2.
Ngoài công việc làm báo, Hải Đường còn chăm sóc cho một quán cà phê cộng đồng tên Ổ Nắng. Đây là một địa điểm được yêu thích của giới trẻ ở Hải Phòng. Ở đó có phòng sách với hơn 1.000 đầu sách mà cô mở ra cho các bạn trẻ đọc miễn phí. Ở đó có không gian để các bạn trẻ sinh hoạt cùng nhau và tham gia các dự án cộng đồng do cô khởi xướng.
Chị Bích Ngọc, nhân viên quán cà phê Ổ Nắng, nghẹn ngào khi nhắc về Hải Đường: “Chị ấy luôn trăn trở môi trường xã hội ngoài kia với nhiều bất an cho các bạn trẻ nên chị ấy tạo ra Ổ Nắng để các bạn có một điểm tựa. Em đã được làm việc trong một môi trường sạch và ý nghĩa”.
Ổ Nắng thường xuyên tổ chức các chương trình dành cho giới trẻ như tư vấn du học, kỹ năng sinh tồn, ngày hội sách... Bích Ngọc nói: “Mới thứ Bảy tuần trước, chị ấy còn tổ chức chương trình hướng nghiệp. Các chuyên gia đều là bạn chị ấy, cùng nhau giúp đỡ các bạn trẻ. Chị ấy làm nhiều công việc để kiếm tiền với mong muốn dùng tiền ấy vào các dự án hỗ trợ cộng đồng”.
Hải Đường từng “ngang ngược” bỏ trường ĐH ngoại ngữ để thi và học lại ngành báo chí vì nhận ra cô muốn theo đuổi việc đấu tranh cho công bằng xã hội bằng ngòi bút của mình.
Rất mạnh mẽ nhưng cô cũng rất nhạy cảm và tràn đầy yêu thương. Trong chuyến đi thăm trẻ mồ côi mới đây, ngày 10-6 trên Facebook, cô viết: “Khi mình về, con khóc, hoảng hốt... Có lẽ các con không thiếu thốn gì, chỉ thiếu thốn tình mẹ. Mình xưng mẹ với con. Có lẽ mình sẽ đến với các con thường xuyên hơn...”.
Nhưng cô đã không thể quay lại thăm các con được nữa rồi. Những ai đã biết về cô đều cảm thấy rất mất mát và đau đớn. Thương cho những người thân yêu của cô, hy vọng họ cũng mạnh mẽ như cô để vượt qua.
Hải Đường đột ngột ra đi khi còn đang dang dở với rất nhiều dự định. Khi hay tin, bạn bè, người thân, đồng nghiệp đã vượt hàng trăm cây số đến tiễn đưa. Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, thay mặt ban giám đốc Sở trưa 13-6 đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến. Trên mạng xã hội, nhiều bạn bè, đồng nghiệp kêu gọi cùng chung sức hỗ trợ con trai sáu tuổi của cô.
Một cô gái đã sống một cuộc đời rất đẹp, dù ngắn ngủi. Ngủ ngon và bình an nhé, đóa hoa Hải Đường thân thương!
Không cam tâm trước nỗi oan trái của dân Hải Đường gây ấn tượng với tôi về tấm lòng và nhiệt huyết đấu tranh cho những người dân bị thu hồi đất bồi thường bất hợp lý. Em làm tôi xúc động vì một trái tim nhạy cảm và giàu tình cảm. Hai chị em rồi cũng hoàn thành loạt bài về chuyện này. Em nói để có tư liệu này, em đã bỏ công sức ròng rã hai tháng trời, rất vất vả, cực khổ. Hải Đường cứ lo lắng hỏi tôi: “Bài mà không được đăng chắc em buồn bỏ nghề luôn quá”. Em nói cũng có những người cản, bảo em lao đầu vào mấy đề tài này làm chi cho phiền toái nhưng em không thể cam tâm trước những nỗi oan trái của người dân mình. Em còn khoe với tôi em đang làm một đề tài nữa, hy vọng sẽ sớm hoàn thành. Nhưng loạt bài mà tôi biên tập cho em đã là những bài viết cuối cùng em để lại cho tôi và cơ quan mình cùng bạn đọc của báo. CẨM TÚ, biên tập viên báo Pháp Luật TP.HCM | |
Cảm tạ Gia đình PV Đặng Thị Tuyền cùng Ban Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM xin gửi lời cảm tạ: • Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; • Cơ quan giám định pháp y TP Hà Nội; BV Việt Đức; • Cục Đường thủy Việt Nam; • Hội thuyền chài, các ngư dân, chính quyền và nhân dân xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP Hà Nội; • Bạn bè, đồng nghiệp của PV Đặng Thị Tuyền (Hải Đường) và các đơn vị đối tác truyền thông của báo Pháp Luật TP.HCM. Đã tận tình quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ, trực tiếp tham gia tìm kiếm, thực hiện các thủ tục cần thiết, tổ chức tang lễ, gửi lời động viên, thăm hỏi, chia buồn và những vòng hoa tiễn biệt đến gia đình PV Hải Đường. Trong việc tổ chức tang lễ, có điều gì sơ suất rất mong được niệm tình tha thứ. Gia đình PV Đặng Thị Tuyền và báo Pháp Luật TP.HCM |
Tác giả: TÂM MINH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM