Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm |
Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng các bị cáo nguyên là những cán bộ thanh tra nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn, lại giúp sức lẫn nhau để thực hiện hành vi trái với pháp luật.
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận. HĐXX nhận định bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng mức độ, tính chất và hành vi phạm tội của các bị cáo.
Tại phiên tòa này, bị cáo Võ Hoàng Anh (nguyên đội trưởng đội TTGT quận Ninh Kiều) nộp thêm giấy tờ chứng minh gia đình có công với cách mạng. HĐXX xét thấy đây là tình tiết mới. Kết thúc phiên tòa xét xử, HĐXX quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hoàng Anh nên từ 15 năm tù ở án sơ thẩm xuống còn 13 năm.
Các bị cáo còn lại, HĐXX tuyên y án sơ thẩm. Trong đó, bị cáo Đoàn Vũ Duy (39 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội TTGT Bình Thủy) lĩnh án chung thân; Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, ngụ Vĩnh Long, môi giới hối lộ) 20 năm tù; Dương Minh Tâm (37 tuổi, nguyên Phó chánh TTGT) 10 năm tù; Lý Hoàng Minh (32 tuổi, nguyên Đội phó TTGT Ninh Kiều) 9 năm tù; Nguyễn Trần Lưu (40 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội TTGT Thốt Nốt), Trần Lập Pháp (31 tuổi, nguyên cán bộ Đội TTGT quận Cái Răng), Hồ Công Thiện (40 tuổi, nguyên Phó đội trưởng TTGT huyện Phong Điền) và Trần Trường An (39 tuổi, ngụ Cần Thơ tội môi giới hối lộ) cùng 7 năm tù.
Đồng thời, HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra tiến hành điều tra những doanh nghiệp có hành vi hối lộ để tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, sau phiên xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo Trần Vũ Duy kháng cáo kêu oan.
Ở phiên xét xử này, bị cáo Duy bất ngờ thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên Duy lại phủ nhận số tiền nhận hối lộ lên đến gần 2,8 tỉ đồng và yêu cầu cơ quan thi hành tố tụng điều tra làm rõ số tiền trên “cò” đã chi cho những ai.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, các nguyên TTGT đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn, với sự hỗ trợ của bị cáo Cần và An tiến hành thỏa thuận với một số doanh nghiệp, cá nhân có xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách hàng hóa để không bắt hoặc bắt các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông đường bộ.
Hàng tháng hoặc từng các doanh nghiệp, cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân theo yêu cầu của các đối tượng, với số tiền ít nhất là 1.000.000 đồng nhiều nhất là 28.000.000 triệu đồng. Nếu không chịu chung chi, các doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia giao thông sẽ bị bắt hoặc chịu nhắc nhở với những lỗi vô căn cứ như dán chữ A Di Đà Phật trên kính xe cũng sẽ bị nhắc nhở. Tính cho đến thời điểm bị bắt các bị cáo đã nhận tiền hối lộ từ các doanh nghiệp, cá nhân lên đến hơn 4 tỷ đồng.
Tác giả: Hoàng Tùng
Nguồn tin: Báo Dân trí