Kinh tế

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI

Nhìn lại bức tranh kinh tế sau năm 2017 và quý I/2018 cho thấy, sự phụ thuộc vào khối FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) không giảm, thậm chí còn lộ rõ xu hướng tăng.

Sản xuất bảng mạch điện tử chất lượng cao tại Công ty Toho Việt Nam, khu Công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, năm 2017 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI với giá trị xuất khẩu vào khoảng 71% (tương đương 152 tỷ USD trong tổng giá trị 214 tỷ USD của cả nước).

Năm nay, GDP trong quý I tăng đến 7,38%, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng này phần lớn đến từ công nghiệp chế biến chế tạo, mà chủ yếu là sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện, đặc biệt là Samsung. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI, chiếm 99,7% kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện; chiếm 90% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chiếm 61% kim ngạch hàng dệt may.

Phân tích như vậy để thấy rằng, diễn biến kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào FDI và ngày càng có độ mở cao. Tại cuộc họp thúc đẩy tăng trưởng năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, mô hình quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (nơi đặt nhà máy Samsung ) cũng cho biết, sản lượng của nhà máy Samsung Display tại tỉnh đã đạt tới đỉnh trong năm 2017 với việc một tháng xuất xưởng 55.000 sản phẩm.

Năm nay theo nhận định, DN này sẽ khó có khả năng đạt sản lượng như năm 2017. Điều này được đại diện Tập đoàn Samsung xác nhận, năm 2018 xu hướng sản xuất có chững lại vì DN đang phải đương đầu với xu thế bảo hộ mậu dịch trên thế giới.

Tương tự nguồn thu của Vĩnh Phúc, Hải Dương trông vào Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford nhưng dấu hiệu giảm đã thấy rõ khi mà thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, các DN nước ngoài trên đã giảm sản xuất, lắp ráp chuyển qua nhập khẩu.

Tăng cường gắn kết

Nhìn nhận vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, nếu nói sự phụ thuộc phần lớn vào DN ngoại là nguy cơ với tăng trưởng kinh tế về lâu dài e hơi quá, nhưng ông Lâm cũng cho rằng cần phân tích để thấy DN trong nước vẫn đang yếu. “Với độ mở của nền kinh tế đã quá lớn, cụ thể là trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 400 tỷ USD, nhưng GDP mới đạt trên 200 tỷ USD, thì Việt Nam cần phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những thay đổi khó lường của tình hình quốc tế”- ông Lâm nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh thu hút các lĩnh vực FDI truyền thống thì các tỉnh cũng cần mở rộng thu hút FDI với những lĩnh vực khác như một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy SX trong nước, thúc đẩy DN nội địa phát triển đủ sức trở thành đối trọng với khu vực FDI, để trở thành đối tác, cùng liên kết, phát triển. Coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước; Điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương, để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Không thể phủ nhận khu vực FDI đã và đang trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước và GDP. Một khi sự phát triển giữa khu vực nội địa và FDI là song hành, kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn. Khi đó, kỳ tích về tăng trưởng, xuất khẩu sẽ càng có ý nghĩa đối với kinh tế Việt Nam.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ của DN tư nhân trong nước. Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự kết nối với các khu, cụm công nghiệp dành cho các DNNVV nội địa.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Tác giả: Nguyên Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP