Kinh tế

Xôn xao "danh phận" của tỷ phú Trịnh Văn Quyết với hãng bay Bamboo Airways

Sau khi tăng vốn điều lệ thì Bamboo Airways đã không còn là công ty con của tập đoàn FLC. Nhiều người thắc mắc rằng, ông Quyết có còn đứng sau hãng bay này?

Ai đang "đứng sau" Bamboo Airways?

Theo thông tin tại báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất đã kiểm toán của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) xuống còn 39,4%.

Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu tới 35,43% vốn Bamboo Airways (Ảnh: AFP)

Như vậy, Bamboo Airways không còn là công ty của Tập đoàn FLC kể từ ngày 5/2. Nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways đến từ việc hãng bay này tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại ngày chốt danh sách sở hữu của Bamboo Airwasy, FLC tuy không còn đóng vai trò công ty mẹ nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất của hãng bay này với 413,7 triệu cổ phần (tương đương 39,4%). Cổ đông lớn thứ hai là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - đồng thời cũng là Chủ tịch Bamboo Airways với 372 triệu cổ phần (35,43%) và kế đến là Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros nắm 8,57%.

Như vậy, Bamboo Airways sau khi tăng vốn vẫn chịu sự chi phối của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC (sở hữu tới 83,4% vốn Bamboo Airways).

Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM xin thôi chức

Sau 4 năm làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, mới đây ông Tô Duy Lâm đã chính thức thôi giữ chức vụ này từ ngày 15/3. Quyết định được chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng ký, theo nguyện vọng của ông Lâm.

Ông Tô Duy Lâm (ảnh: Vietnamfinance).

Trước khi ngồi vào ghế Giám đốc năm 2017, ông Tô Duy Lâm (sinh năm 1967) đã có 10 năm giữ chức Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.

Người kế nhiệm ông Lâm cho vị trí Giám đốc là ông Nguyễn Hoàng Minh, sinh năm 1961, là Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM kể từ tháng 6/2008 đến nay.

Chuyến "mua sắm" nghìn tỷ, lãi... 500 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch ngày 10/3 vừa qua, cổ phiếu Novaland của gia đình ông Bùi Thành Nhơn đã tăng liên tiếp 3 phiên. Diễn biến tích cực này diễn ra sau khi gia đình ông Nhơn liên tục mua vào lượng lớn cổ phiếu.

Theo đó, vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn đã mua thêm gần 21,4 triệu cổ phiếu NVL. Trước đó, con trai ông Nhơn là Bùi Cao Nhật Quân cũng chi ra gần 200 tỷ đồng mua vào 3,3 triệu cổ phiếu NVL.

Trong đợt "mua sắm" cổ phiếu gần đây, gia đình ông Bùi Thành Nhơn đã mua vào tổng cộng hơn 24,7 triệu cổ phiếu NVL với mức chi trả theo giá đã ưu đãi là gần 1.500 tỷ đồng. Song, nếu tính theo giá thị trường thì số cổ phần này hiện đang có giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

Sếp doanh nghiệp Nhà nước giỏi có nhà lầu, xe hơi, vấn đề gì đâu?

Chia sẻ về doanh nghiệp Nhà nước, ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viettel - cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân nếu thất bại thì họ mất tiền thôi, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, nếu thất bại ngoài tiền còn cả sinh mệnh chính trị, chúng ta hoàn toàn đem chế tài này ra xử lý.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel tại hội nghị (ảnh: Nguyễn Tuyền).

"Nhưng nếu họ làm tốt, thì họ có nhà lầu, xe hơi, có vấn đề gì đâu? Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, họ thành công còn trở thành tỷ phú mà. Chúng ta phải cho lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quyền tự quyết những chuyện hết sức đơn giản như tổ chức doanh nghiệp, vay vốn, đầu tư dự án" - lãnh đạo Viettel nói.

Ông Dũng lấy ví dụ một bất cập: "Việc thu phí không dừng trên cao tốc, chúng tôi phải xin làm thủ tục mất 2 năm trời để được thu. Nếu ngày hôm nay tôi nảy ra ý nghĩ một ngành mới, phải làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Kinh doanh, lợi nhuận là thời cơ, mất vài năm thì thời cơ đâu? Hay đầu tư nước ngoài cũng vậy, doanh nghiệp Nhà nước mà muốn mua vài chục % của doanh nghiệp nước ngoài, không hề dễ dàng, có ai cho quyền đâu!".

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP