Sáng nay, (27/2), TAND TP.Hà Nội tiến hành mở phiên xét xử đại án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Oceanbank về “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3, Điều 179; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 281 và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 165-BLHS.
Bị cáo Hà Văn Thắm cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử tại TAND TP.Hà Nội
Bị cáo đầu vụ trong vụ án là Hà Văn Thắm (SN 1972, nguyên quán ở Bắc Giang, hiện ĐKHKTT tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) bị truy tố cùng lúc về cả ba tội danh trên. Đồng phạm với Thắm còn có 47 bị cáo khác đều giữ những chức vụ quan trọng trong Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và các doanh nghiệp.
Tại thời điểm phiên tòa diễn ra, có gần 50 luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng như những người liên quan. Bên cạnh đó, gần 600 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được Tòa triệu tập tới phiên sơ thẩm.
Dự đưa tin phiên sơ thẩm sáng nay có hàng chục phóng viên của nhiều báo đài. Tuy nhiên, toàn bộ các phóng viên tham gia được tòa chỉ định ngồi theo dõi đưa tin phiên sơ thẩm qua một màn hình ti vi, tại một phòng riêng, không phải phòng xét xử.
Những người tham gia tố tụng làm thủ tục vào dự tòa
Đúng 8h30 phút, HĐXX bước vào làm việc. HĐXX đại án xảy ra tại Oceanbank gồm 5 người: hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Phiên xét xử sơ thẩm dự kiến kéo dài từ ngày 27/2 – 21/3, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.
HĐXX đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử
Mặc dù đã được tòa tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank) vắng mặt do đang phải điều trị ung thư tại bệnh viện Bạch Mai. Cùng với đó, để đảm bảo tính khách quan của vụ án, các Luật sư cũng đã đề nghị HĐXX triệu tập thêm một số người và một số đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà hiện vẫn chưa có mặt tại tòa.
Sau ít phút hội ý về những vấn đề trên, HĐXX xét thấy, do phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên sẽ triệu tập bổ sung sau đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo yêu cầu của các Luật sư.
Về việc vắng mặt của bị cáo Phương, quá trình điều tra xét thấy bị cáo Phương đang trị xạ, điều trị tại bệnh viện, hiện tại sức khỏe rất yếu nên không thể có mặt, do vậy HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương.
Quá trình tiến hành kiểm tra căn cước, bất ngờ bị cáo Nguyễn Minh Thu (Nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) và nhiều bị cáo khác khi bị yêu cầu đứng trước vành móng ngựa đã bật khóc nức nở khiến vị chủ tòa nhiều lần nhắc nhở bị cáo giữ bình tĩnh.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu bật khóc trước toà
Về nội dung vụ án, quá trình điều tra xác định, giữ vai trò đồng phạm thứ 2 sau Thắm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, nguyên quán tại Hà Tĩnh và trú ở đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank và từng giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và tiếp sau Sơn là Nguyễn Minh Thu (SN 1973, nguyên quán Hà Nội và khi bị bắt trú tại phố Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội) – nguyên Phó Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Oceanbank cũng bị truy tố về 2 tội danh quy định tại các Điều 281 và Điều 165-BLHS.
Các bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977, ở phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng), Lê Thị Thu Thủy (SN 1977, trú phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975, ở phường Láng Thượng, Đống Đa), đều là nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank lần lượt bị xét xử về các tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn và tội Vi phạm quy định về cho vay.
Ngoài ra, 42 bị cáo liên quan trong vụ án giữ các chức vụ là giám đốc, phó giám đốc các khối; giám đốc, phó giám đốc các chi nhánh; giám đốc, phó giám đốc phòng giao dịch của Oceanbank và giám đốc doanh nghiệp “sân sau” của “cặp bài trùng” Thắm – Sơn cũng lần lượt bị truy tố với vai trò đồng phạm.
Theo truy tố, Hà Văn Thắm với vai trò là chủ tịch HĐQT Oceanbank chỉ đạo và cùng với ông Hoàn giải quyết cho ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) vay vốn thông qua công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng nhà nước về quy chế cho vay và quy trình thủ tục gây thiệt hại cho Oceanbank.
Từ năm 2010 đến 2014 (thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam), Hà Văn Thắm cùng hàng chục bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho Oceanbank với số tiền xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Trong số tiền đó, có 20% là tiền của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Yến Nhi