Ngày 17/9, trả lời VTC News, đại diện HĐXX phiên tòa sơ thẩm vụ gian lận thi cử ở Sơn La 2018 cho biết, trong lần xét xử tới, tòa sẽ gửi giấy mời triệu tập song song đến địa chỉ nhà riêng và các cơ quan của những người này, để lãnh đạo các cơ quan bố trí lịch làm việc, tạo điều kiện cho cán bộ đến dự phiên tòa tới. Phiên xét xử vừa qua phải hoãn lại do 75/91 người triệu tập vắng mặt.
Pháp luật cũng quy định, những người làm chứng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu triệu tập lần 1 không đến dự phiên tòa, mà lần 2 tiếp tục vắng mặt thì có thể thực hiện lệnh áp giải, nhưng việc dẫn giải phải tùy từng trường hợp cụ thể.
Nếu người làm chứng vì sự việc bất khả kháng (ốm hoặc không có mặt ở địa phương) thì không dẫn giải đến phiên tòa được.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga được cán bộ trại giam đưa đến tòa. |
Đại diện HĐXX khẳng định: "Chúng tôi hoãn phiên tòa vừa rồi để đảm bảo sự có mặt đầy đủ của mọi thành phần tham dự phiên tòa nhưng đến phiên xét xử lần 2 vào tháng 10 tới, chắc chắn chúng tôi sẽ không hoãn vì những lý do nêu trên.
Tuy nhiên, chúng tôi thực hiện việc triệu tập với tinh thần hợp lệ, có những biện pháp nhất định để đảm bảo sự có mặt của những người bị triệu tập trừ những trường hợp khách quan".
Hôm qua (16/9), TAND tỉnh Sơn La đưa Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT - Trần Xuân Yến cùng 7 đồng phạm hầu tòa vì liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.
Bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT), Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí), Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị Sở GD&ĐT), Đặng Văn Thủy (Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá Công an Sơn La) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí) và Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá Công an Sơn La) bị truy tố theo khoản 1, với khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.
Thẩm phán chủ toạ phiên toà là ông Quản Hữu Chiến và Đỗ Tuấn Long, ngoài ra có 1 thẩm phán dự khuyết là ông Hoàng Trung Thành. Hai kiểm sát viên VKSND tỉnh Sơn La giữ quyền công tố là bà Lê Thị Thu Hà và ông Nguyễn Văn Thành.
Theo TAND tỉnh Sơn La, 8 luật sư tham gia bào chữa cho 8 bị cáo tại tòa. Trong đó, bị cáo Trần Xuân Yến và Lò Văn Huynh có 2 luật sư, bị cáo Đỗ Khắc Hưng có 3 người bào chữa.
Tại phiên tòa, HĐXX triệu tập 91 người liên quan và người làm chứng, trong đó nhiều người là phụ huynh, thí sinh được nâng điểm và lãnh đạo một số sở, cơ quan thuộc tỉnh Sơn La.
Bị cáo Trần Xuân Yến - cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đến tòa. |
Tuy nhiên, đại diện VKS cho hay, phiên tòa sơ thẩm có sự vắng mặt của 2/10 luật sư bào chữa cho các bị cáo; 11/43 người làm chứng đến phiên tòa; 3/47 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa.
Điển hình có ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Duy Hoàng (Phó giám đốc Sở GD&ĐT), Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La), Lê Trọng Bình (Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La), Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra Sở GD&ĐT), bố con ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng Giáo dục THPT) và con gái là N.Y.K...
VKSND tỉnh đề nghị hoãn phiên tòa do cả người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và luật sư bào chữa cho bị cáo đều vắng rất nhiều. Một số luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đồng ý với quan điểm của VKS về đề nghị hoãn phiên tòa.
Sau thời gian hội ý, ông Quản Hữu Chiến, Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX đọc quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa được dời đến ngày 15/10/2019.
Tác giả: Tùng Lâm
Nguồn tin: Báo VTC News