Trong bảng xếp hạng 49 trường đại học vừa được công bố, trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng thứ 2 về tổng thể, trong đó tiêu chí riêng về Nghiên cứu khoa học thì trường đứng thứ 1; đứng thứ 5 về giáo dục đào tạo và xếp thứ 24 về cơ sở vật chất và quản trị.
Ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, việc thử xây dựng một bộ tiêu chí có nghiên cứu tiêu chí các tổ chức xếp hạng quốc tế hiện hành, hướng tới các chuẩn mực quốc tế; rồi tiến hành thử xếp hạng các đại học số liệu tương đối đầy đủ của nhóm chuyên gia độc lập này là điều rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, ông Danh cho hay, chúng tôi tạm thời không bình luận gì về thứ hạng của ĐH Tôn Đức Thắng. Có lẽ cần thêm thời gian cho nhóm nghiên cứu hoàn chỉnh cách làm của họ.
GS.TS Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng |
Liên quan đến bảng xếp hạng, ông Lê Vinh Danh cho biết, trong lúc cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục vẫn loay hoay và chưa tìm ra được một giải pháp nào thuyết phục để xếp hạng đại học trong nước nhằm cung cấp thông tin có thể tin cậy cho xã hội và người học dựa vào mà chọn nơi học, nơi làm việc thì việc các các nhóm phi lợi ích, phi chính phủ, độc lập và không bị tác động của lợi ích nhóm nào tiến hành thử làm việc này là rất tốt và có ích cho người học, cho xã hội, ít nhất theo ý nghĩa tham khảo.
Theo ông Danh, nếu các năm tiếp theo, nhóm này hoàn chỉnh hơn các tiêu chí và cách làm, qui trình cũng như kiên cường giữ vững tính khách quan trước các loại sức ép, thì sẽ giành được niềm tin của xã hội. Lúc đó, các đại học sẽ phải đầu tư nghiêm túc hơn về thời gian, công sức và tiền bạc để tự chấn chỉnh mình và cố gắng thăng hạng vì chẳng hiệu trưởng có trách nhiệm nào lại chịu để đại học của mình nằm ở thứ hạng thấp.
"Xã hội sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh cải thiện thứ hạng của các đại học một cách lành mạnh. Hi vọng rằng sẽ có nhiều nhà khoa học trắc lượng độc lập khác mạnh dạn đề xuất và tiến hành thêm các cách xếp hạng nữa với những tiêu chí (được giải thích một cách thuyết phục vì sao có tiêu chí đấy) và qui trình thực hiện công khai, minh bạch cho xã hội có thể thẩm định và tự quyết định đặt niềm tin" - ông Danh nhấn mạnh.
Chưa ổn
Việc dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về bảng xếp hạng, ông Danh cho rằng, quá trình thử nghiệm một việc có thể có nhiều ý kiến khác nhau như việc này thì sai sót, có chỗ chưa chính xác, hoặc chưa đầy đủ trong những năm đầu là tất nhiên, và mọi người cũng cần để cho nhóm có điều kiện chỉnh sửa, bổ khuyết. Ngay cả cách làm của những Tổ chức xếp hạng đang được tín nhiệm hiện nay của Thế giới như QS, THE (mỗi năm nhận được từ 30.000 phản hồi điều tra trở lên), CWTS Leiden Ranking của Hà Lan, SCImago của Tây Ban Nha,...đến nay cũng không phải đã hoàn hảo.
Ông Danh ví dụ: "Khi QS hay THE gửi phiếu điều tra cho chuyên gia khắp nơi trên Thế giới để tìm hiểu về một đại học nhằm đánh giá về “danh tiếng” của đại học đó, tình trạng gặp phải là nhiều chuyên gia có thể không am hiểu hoặc biết về trường này; và vì không am hiểu hoặc biết, họ sẽ không đề xuất đại học đó cho dù nó xứng đáng.
Hệ quả là họ thường đề xuất những đại học mà họ đã biết hoặc có quan hệ và những đại học nào đã phát triển, đã nổi bật, được nhiều người nhắc đến thì sẽ dễ dàng được đề xuất trong khi những đại học trẻ khác có thể hơn nhiều mặt những trường truyền thống này vẫn không được đề xuất. Tính khách quan như thế là không ổn".
Theo ông Danh, nhóm nghiên cứu độc lập nên có khảo sát tận nơi các đại học sau khi đã tiếp nhận số liệu, vì bản thân số liệu (giả định là đầy đủ) cũng chưa thể nói hết mọi việc.
Chẳng hạn, về hạ tầng cơ sở thì một trường đại học có nhiều đất đai chưa hẳn đã là đại học có hạ tầng giáo dục tốt nếu phần lớn đất đai đó bị bỏ hoang, không khai thác được, lãng phí trầm trọng và thực chất hoạt động giáo dục chỉ tập trung vào một số tòa nhà.
Tương tự, tổng số bài báo ISI hay Scopus là quan trọng, nhưng cần chi tiết hơn về hiệu quả đầu tư cho hoạt động khoa học-công nghệ.
"Nếu một đại học được chi cả ngàn tỷ đồng/năm cho khoa học-công nghệ, mà số công trình ISI, Scopus trong năm chỉ gấp đôi, gấp ba chứ chưa nói đến “thua” một đại học không được chi đồng nào từ tiền thuế của dân để làm khoa học, thì số lượng ISI, Scopus của đại học lớn kia chẳng có ý nghĩa gì nếu không nói là “ý nghĩa tiêu cực” vì hoạt động khoa học công nghệ đó cực kỳ lãng phí và không có tương lai.
Đồng thời, cũng phải xem thành quả khoa học-công nghệ của 3 năm điều tra được làm ra từ bao nhiêu người có trình độ tiến sĩ trở lên chứ nếu chỉ tính số lượng không thôi thì chưa ổn" - ông Danh nhấn mạnh.
Nguồn số liệu mà nhóm nghiên cứu độc lập thực hiện để xếp hạng 49 trường đại học như sau: Nguồn số liệu về cán bộ, sinh viên và cơ sở vật chất được tổng hợp từ các nguồn sau: Báo cáo theo Quy chế Ba công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/05/2009; Website thông tin chính thức của trường; Cẩm nang và số tay tuyển sinh hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Thống kê trên trang web của các cục/vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tin cung cấp trực tiếp bởi nhà trường. Số liệu về bài báo và trích dẫn: Nguồn số bài báo khoa học và trích dẫn được nhóm thống kê từ trang web: Cơ sở dữ liệu khoa học WOS; Website thông tin chính thức của trường; Thông tin cung cấp trực tiếp bởi nhà trường 24. Số liệu về điểm thi đầu vào đại học: Nguồn điểm thi đại học của sinh viên được thống kê từ: Website thống kê điểm chuẩn đầu vào đại học và phổ điểm do các cơ quan thông tấn báo chí cung cấp trực tuyến; Website thông tin chính thức của trường; Cẩm nang và số tay tuyển sinh hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Thống kê trên trang web của các cục/vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tin cung cấp trực tiếp bởi nhà trường 24. Số liệu về minh bạch thông tin: Nguồn số liệu về minh bạch thông tin được chúng tôi tham khảo từ báo cáo: Báo cáo của World Bank do DEPOCEN thực hiện đánh giá sự minh bạch thông tin của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên website. |
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí