Xe

Xe lớn đền xe bé: Tư duy hoang dã, mông muội, chết ít mới lạ

Còn tư duy hoang dã, mông muội theo kiểu mặc định “xe lớn đền xe bé” khi tham gia giao thông, thì số người chết ít mới lạ.

Tư duy hoang dã, mông muội

Ở đâu không biết, không bàn, chứ người Việt mình, cứ lao ra đường là gặp vô số cảnh tượng bộc lộ việc tham gia giao thông hoang dã đập vào mắt.

Người đàn ông chở 2 thùng cá 2 bên, lại cõng thêm cô vợ đi bán cùng ngồi ở trên, vượt các loại đèn đỏ ngã tư, đèn đỏ dừng chờ tàu hỏa đi ngang, thậm chí là đi ngược chiều, tắc cứng cả một đoạn đường.

Người giao hàng chở sau chiếc xe máy nhỏ là số lượng bình lọc nước, hoa quả, thùng bánh kẹo bim bim, bình gas…to gấp 3, gấp 4 người điều khiển ngồi phía trước. Nghĩa là không thể quay trái, quay phải hay nhìn thấy chiếc gương chiếu hậu mà quan sát đường sá, các phương tiện bên cạnh, cứ đường tôi tôi đi.

Đến cả 2,3 con lợn còn được chất chồng lên nhau, treo lủng lẳng phía sau, bấm còi inh ỏi, tạt đầu ô tô lao như bay cho kịp chuyến chợ sớm.

Chở lợn lủng lẳng phía sau như chốn không người.

Thỉnh thoảng lại có chiếc xe máy chở theo 3, 4 cô gái ăn mặc mát mẻ chui ra từ con ngõ nhỏ, đầu không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa cười nói át cả tiếng còi xe, và dĩ nhiên, không có khái niệm đèn đỏ hay cảnh sát giao thông trong đầu, lao thẳng đến nơi cần đến.

Xe ôm thì thôi rồi, nỗi kinh hoàng của các tài xế ô tô. Luồn lách khắp mọi nơi, phóng bạt mạng trên phố, băng băng lao vào đường cấm, đến cao tốc dành riêng cho ô tô cũng không tha. Lên đường cao tốc trên cao, cao tốc ra khỏi thành phố, thỉnh thoảng lại giật mình thon thót vì ở đâu xuất hiện một ông xe ôm đứng hiên ngang vẫy khách. Cứ nghĩ đến cảnh tượng những chiếc ô tô đang phóng với tốc độ hàng trăm km/ giờ kia mà dừng đột ngột, hoặc bẻ lái gây va chạm, đã thấy rùng mình vì hậu quả khôn lường.

Thế nên có người mới nói vui, dân mình nhiều người dũng cảm, ngày nào cũng ra đường thách thức tử thần, lòng không chút sợ hãi. Nhưng tự hào vì lòng dũng cảm nào, chứ lòng dũng cảm biểu lộ sự hoang dã, mông muội này, thì quả thực, đến người tỉnh táo nhất cũng trở nên hoảng loạn vì thấy rõ như ban ngày, cái chết lãng xẹt có thể đến bất cứ lúc nào. Và cũng rõ ràng, chính những kẻ đó đang kéo cả một nền giao thông đi lùi, mãi rơi vào cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được.

Từ đâu nảy sinh ra cái tư duy tham gia giao thông bản năng, bất chấp luật pháp, bất chấp tính mạng người khác đó? – chính là suy nghĩ đã trở thành thứ mặc định ghim chặt trong đầu: “xe lớn đền xe bé”. Vì sao? Vì tài xế xe máy, đinh ninh chỉ một thứ gây mất an toàn cho mình, là những chiếc xe lớn hơn – những chiếc ô tô cá nhân, ô tô khách lớn nhỏ, những chiếc xe bán tải, xe tải các loại …ngoài kia. Mà xe lớn họ khác biết tránh, “ngu gì va chạm” với xe nhỏ, va chạm thì đương nhiên xe lớn sai, xe lớn phải đền.

Cái kiểu tặc lưỡi, “ôi giời, cứ vượt đèn đỏ đi, cứ đi vào đường ngược chiều đi….ai dám đâm, đâm thì xe lớn phải đền xe bé, có dám đâm không?”, thế là nảy sinh ra muôn kiểu đi xe khiến “nó phải tránh mình chứ sao mình phải tránh nó” như chốn không người trên đường phố.

Chết ít mới lạ

Nói thì bảo nhẫn tâm, nhưng quả thực, những kẻ còn tồn tại tư duy mông muội “xe lớn phải đền xe bé, không ai dám đâm mình” khi tham gia giao thông, có chết cũng không thể kêu lên một tiếng oan ức, thậm chí chết ít mới lạ. Những kẻ đó chỉ mới nghĩ ngắn đến đoạn va chạm nhẹ, đền bù thiệt hại là xong, mà không xa hơn đến đoạn, va chạm là chết, chết thê thảm, không còn tồn tại mà đôi co xe nào đền xe nào.

Có thương tâm, là thương tâm những người trót ngồi sau tay lái tử thần đó, những người đi đường vì vô tình mà bị những kẻ này gián tiếp gây nên thương tích, gây nên cái chết đau lòng.

Mới cách đây mấy ngày, chiếc xe “kẹp” 3 lao vào làn đường dành riêng cho ô tô ở trên cầu Chương Dương đã khiến tài xế ô tô không kịp trở tay, khiến cả 3 thanh niên thiệt mạng. Có oan không, khi tấm biển đường cấm đập vào mắt đến như vậy còn cố tình lao vào để nhận lấy cái chết thê thảm? Người chết là hết, nhưng chắc không ai nghĩ cho người ở lại, lúc ngồi lên xe vít ga, vẫn đinh ninh “nó sẽ tránh mình”.

Hiện trường vụ tai nạn trên cầu Chương Dương.

Gần hơn thì ở Bình Thuận, hai người đàn ông chở nhau đi trên đường quốc lộ, mà khi sang đường rẽ ngoặt đột ngột, khiến xe khách chỉ biết phản ứng bằng phanh gấp mà vẫn không kịp. Không những hai người đàn ông tử vong tại chỗ, mà chiếc xe khách do phanh gấp còn va chạm với hàng loạt xe máy cùng lưu thông trên đường. Đi như thế, tính mạng cũng không còn, còn xe to xe bé đến khi nào?

Ba tháng trước, chàng trai chở bạn gái trên đường Liễu Giai – Đào Tấn, Hà Nội, vượt qua ngã tư rồi bất ngờ dừng giữa đường làm chiếc xe tải phía sau không kịp tránh, cú va chạm mạnh khiến cô gái văng xuống đường, xe tải cán qua tử vong. Nhìn cảnh tượng chàng trai chết lặng ôm thi thể bạn gái, người đi đường thương xót cô gái bao nhiêu, thì phẫn nộ trước cách tham gia giao thông của chàng trai bấy nhiêu. Có người còn ác khẩu “người đáng chết là chàng trai, chứ không phải cô gái vô tội”.

Ai từng chứng kiến sự tang thương trong những gia đình có người chết vì tai nạn giao thông, có nghe tiếng khóc xé lòng của những đứa trẻ bơ vơ, mất đi cha mẹ vì tư duy đi xe máy “như đi trong sân nhà mình”, có thấy hệ lụy kéo theo cả những tài xế ô tô có khi sạt nghiệp oan, mới thấy nhất định không thể dung thứ cho lối đi đường bản năng, vô trách nhiệm đó.

Người ta nói nhân cách con người bộc lộ đầy đủ qua việc tham gia giao thông. Những kẻ đã vứt đi nhân cách, thì mất đi cả tính mạng, còn oan ức gì?

Xã hội duy tình

Điều gì đã đẩy người tham gia giao thông – và nền giao thông của chúng ta trở nên hoang dã? Đó chính là cách xử lý duy tình, bao biện bằng hai từ “mưu sinh”, thiếu tính thượng tôn pháp luật.

Cứ khoác lên mình hai chữ “mưu sinh” là lủng lẳng những thùng cá, sạp rau, sọt hoa quả, bình gas bình nước lớn nhỏ…luồn lách khắp nẻo đường góc phố. Cứ “mưu sinh” là lên hẳn đường cao tốc ngồi chắn xe khách mà vẫy lia lịa. “Mưu sinh” là gặp cảnh sát giao thông thì năn nỉ, ỉ ôi, xin xỏ, kể lể hoàn cảnh…

Rồi người đi xe máy, mặc nhiên là nghèo hèn khổ cực hơn người đi ô tô. Va chạm, chưa biết đúng sai, phải trái, sẽ ngay lập tức thấy ở đâu ra những chủ quán trà đá vỉa hè, những ông xe ôm xa gần, quây kín chiếc ô tô…bắt đền? Cứ đi ô tô là sai, là có nhiều tiền, là mặc nhiên phải đền người đi xe máy?

Lối tham gia giao thông hoang dã, bản năng. (Ảnh minh họa)

Ngay cả khi có lực lượng chức năng đến giải quyết, vẫn theo lối duy tình, để các bên tự nói chuyện, giải quyết êm xuôi với nhau. Và chính người đi ô tô, ngay cả khi mình không đi sai, cũng thỏa hiệp với cách làm đó, vì sao? Vì đằng đẵng theo đuổi một vụ việc thì sẽ rầy rà có khi đến cả năm trời, tốn công tốn của, không biết có đi đến đâu không?

Những hậu quả sinh ra từ sự duy tình, đã khiến lối suy nghĩ mông muội “xe lớn đền xe bé, không ai dám đâm mình” đóng đinh trong đầu óc không ít người, khiến họ cứ đi, cứ đón nhận cái chết một cách lãng xẹt, cứ làm hại thêm bao nhiêu người một cách hồn nhiên như vậy. Và nền giao thông, thì mãi tích cực làm một việc: thống kê số người chết vì tai nạn giao thông.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP