Dòng Sự kiện

Xe công an đeo biển số giả, có gì mà ầm ĩ!

Bà con cứ đùng đùng bức xúc làm gì nhỉ, đồng chí Thượng tá đã giải thích rồi, “xe đeo biển số giả để đi công tác cho tiện”

Sau khi bị dư luận phát giác có 2 xe ô tô hạng sang cùng đeo biển tứ quý 9 ở Ninh Bình, mới đây Chánh văn phòng công an tỉnh Ninh Bình cho biết cả hai xe đều của Công an tỉnh, lái xe mượn biển đeo vào để… tiện công tác.

1
2

Hai chiếc xe cùng đeo biển tứ quý 9 của Công an tỉnh Ninh Bình bị phát giác.

Đọc bài báo “Xe lãnh đạo công an lắp biển “tứ quý 9” để… tiện công tác” trên báo Dân trí, chắc hẳn nhiều độc giả cũng thấy bật cười với giải thích của ông Thượng tá Lã Hồng Phúc – Chánh văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình về chuyện 2 xe ô tô hạng sang cùng đeo một biển số 35A-9999.

Ông Phúc cho biết: “Hai xe Camry và Ford Expedition đều là xe của Công an tỉnh. Trong đó, xe Ford là do Bộ Công an cấp cho Công an tỉnh, mang biển 80B-4318, dùng để chở lãnh đạo Công an tỉnh. Chỉ có 1 lần chiếc xe này đeo biển 35A-9999 là đợt Đại lễ Vesak ở Bái Đính. Lái xe lấy biển cũ đeo vào để mang tính chất địa phương và tiện cho công tác bảo vệ”.

Trước câu hỏi của phóng viên báo Dân trí về việc xe Ford Expedition chuyên chở lãnh đạo Công an tỉnh, xe Toyota Camry được lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng, tại sao lại xảy ra việc 2 xe sử dụng chung 1 biển kiểm soát “tứ quý 9”, Thượng tá Phúc không có câu trả lời rõ ràng và chỉ nhận định: “Có thể lái xe hỏi mượn của nhau” (!?)

Đồng thời, ông Phúc cũng cho biết hướng xử lý sắp tới với “các lái xe mượn biển của nhau” này là xử lý hành chính.

Đấy nhé, đọc đến đây thì ai cũng biết, hóa ra tâm lý “hâm mộ” biển số xe tứ quý này không chỉ có ở thường dân mà chính tại các cơ quan công an, mức độ hâm mộ của các đồng chí còn vượt trội hơn. Tới mức xe hỏng bỏ đi rồi, biển cũ vẫn được giữ lại để đem ra đeo cho xe mới đi công tác cho tiện.

Bình thường, xe công an cũng được quyền “hóa trang” đeo biển số giả để phục vụ cho việc điều tra các chuyên án, nhưng ở đây, chẳng có chuyên án gì sất, chỉ là thích thì lấy ra đeo chơi, đi công tác “cho tiện” mà thôi.

Khéo thay cái ý nhị của cái chữ “cho tiện” mà ông Chánh văn phòng công an tỉnh Ninh Bình dùng, nghe nó mới nhẹ nhàng làm sao. Đeo biển số giả cho phương tiện giao thông rõ ràng là vi phạm luật mười mươi, ai học luật để thi lấy bằng lái xe cũng đều biết, thế mà ở đây, công an lại được phép dùng biển giả, để “cho tiện” là thế nào? Vậy dân chúng tôi có quyền giải thích là “đeo biển số giả cho tiện khi tham gia giao thông” với các đồng chí cảnh sát giao thông được không?

Thế mới biết cái câu “miệng người sang có gang có thép”, chẳng phải là khi trót nhỡ vi phạm một điều nào đó, những người có trọng trách thừa hành và thực thi pháp luật luôn có cách để biện minh, lý giải cho hành động của mình. Còn nếu dân thường mà vi phạm tương tự thì sẽ bị ghè cho đến nơi đến chốn.

Tôi đọc thấy các bình luận của người đọc dưới bài báo này thấy độc giả có vẻ bức xúc lắm. Người thì yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo công an tỉnh Ninh Bình đến đâu, tại sao khi có chuyện lại đổ tại “lái xe mượn của nhau” cứ như mình vô can, vậy ai là người được chở trên chiếc xe mang biển số giả đó. Người thì nói tại sao những biển số đẹp như vậy lại luôn thuộc sở hữu những cơ quan công quyền? Và rằng qua chuyện này, dân có còn tin được vào pháp luật nữa không.

Ô hay, bà con cứ đùng đùng bức xúc làm gì nhỉ, đồng chí Thượng tá đã giải thích rồi, “xe đeo biển số giả để đi công tác cho tiện”, chuyện nhỏ như con thỏ, có gì mà cứ phải làm ầm ĩ lên.

Chỉ có điều, đừng có thấy đỏ lại tưởng chín, bà con chớ có dại mà bắt chước đeo biển số giả cho xe rồi giải thích “để đi công việc ngoài đường cho tiện”. Lúc ấy sẽ biết tay nhau ngay.

Thế mới biết, luật là luật của chung, nhưng áp dụng thế nào cho từng đối tượng thì còn phải xét.

  • Mi An

BÀI MỚI ĐĂNG