Sáng ngày 24/12, theo quan sát của phóng viên tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), trên các sạp hàng thịt, rau, cá… rất ít hàng. Một tiểu thương cho biết, gần một tuần lại đây giá thực phẩm tăng từng ngày nhưng do nguồn cung khan hiếm nên chợ lúc nào cũng bị “rỗng”. Đặc biệt, trong ngày 1/11 (Âm lịch), cách đây 2 ngày, gần như “cháy” chợ.
Thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội đang tăng giá từng ngày
Các mặt hàng như thịt lợn giá tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg, tôm sú tăng thêm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, thịt gà, vịt cũng tăng giá khoảng 10.000 đồng… Chị Hằng một tiểu thương ở chợ cho biết, nguyên nhân tăng giá do nguồn cung khan hiếm, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ cho mùa cưới và dịp lễ tết tăng cao.Tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) giá các loại cá và thịt bò tăng không đáng kể nhưng giá tôm sú cũng tăng lên khoảng 20.000 đồng/kg. Một tiểu thương ở đây cho biết, khách mua lẻ chịu mức giá tăng lên đôi chút, còn giá bán cho khách buôn vẫn như bình thường.
Các mặt hàng rau củ chính vụ như su hào, cải bắp ở chợ Hôm vẫn đứng giá như ngày thường. Trong khi đó do ảnh hưởng thời tiết bất lợi lên rau muống giá tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg. Các loại rau thơm được bán theo mớ, không tăng giá nhưng được tiểu thương bó nhỏ lại so với ngày thường.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ông Chu Xuân Kiên – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, một số mặt hàng đang có xu hướng tăng giá, trong đó có thịt lợn và một số loại rau trái mùa. Nguyên nhân thịt lợn tăng giá là do Trung Quốc nhập khẩu thịt của Việt Nam nhiều. Trong khi rau lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Dù một số mặt hàng thực phẩm tăng giá, nhưng theo ông Kiên từ nay đến Tết sẽ không có biến động nhiều vì khả năng dịch bệnh sẽ không xảy ra, trong khi đó công tác bình ổn giá đang được làm rất tốt. Đến nay, một số doanh nghiệp cũng đã cam kết không tăng giá gạo trong dịp Tết. Hệ thống dự trữ thịt lợn, thịt gà… cũng được bảo đảm.
“Thành phố đã hỗ trợ cho doanh nghiệp 270 tỷ đồng để làm công tác bình ổn giá dịp Tết. Đến nay, các doanh nghiệp cũng đã cam kết khi thị trường có sự biến động họ vẫn bán thấp hơn từ 5 – 10% so với giá thị trường”, Phó Giám đốc Sở Công thương Chu Xuân Kiên nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc xăng dầu liên tục giảm giá nhưng giá thực phẩm lại tăng giá, ông Kiên cho biết, căn cứ vào giá xăng như vậy thì có thể giảm 5% giá thành tất cả sản phẩm.
Theo công bố hôm qua của Tổng Cục Thống kê, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,08% so với tháng 11, trong đó ăn uống ngoài gia đình, lương thực và thực phẩm lần lượt tăng 0,07%, 0,14% và 0,05% so với tháng trước. Như vậy, mặc dù CPI tháng 12/2014 ghi nhận giảm 0,24% so với tháng trước, nhưng nhóm chiếm tới 40% quyền số này vẫn tăng. |