Thế giới

World Cup 2018 nguy cơ nhuốm màu chính trị vì vụ đầu độc cựu điệp viên

Nga hồi tuần trước nói rằng mục tiêu chính của phương Tây là ngăn Nga tổ chức World Cup 2018, trong bối cảnh nước này và phương Tây đang căng thẳng vì vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh. Skripal từng bị Nga buộc tội phản quốc vì bán bí mật cho Anh, ông này sau đó đến Anh sinh sống nhờ một thỏa thuận trao đổi gián điệp.

Zabivaka, linh vật World Cup 2018

Anh cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc nên đã trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga và vận động đồng minh thực hiện tương tự. Trong khi đó, Moscow bác bỏ cáo buộc và thực hiện một loạt vụ trục xuất trả đũa phương Tây.

Nga sẽ lần đầu tiên đăng cai tổ chức World Cup ngày 14/6 - 15/7. Vụ đầu độc đã phủ bóng lên World Cup với việc Anh tuyên bố hoàng gia nước này và các bộ trưởng sẽ không đến dự. Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng quyết định nhằm nhấn mạnh với Nga rằng mối quan hệ giữa hai nước không thể như trước.

Nikita Simonyan, phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nga kêu gọi Anh không nên để bóng đá dính dáng tới chính trị và nói rằng nếu hoàng gia và các bộ trưởng Anh đổi ý thì phía Nga sẵn sàng đón tiếp.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hồi tháng ba có phát biểu mang ý so sánh Tổng thống Nga Vladimir Putin với trùm phát xít Adolf Hitler trong việc tổ chức các sự kiện thể thao. Hitler trở thành lãnh đạo Đức năm 1933 và đã sử dụng việc Berlin đăng cai tổ chức Olympic mùa hè năm 1936 để tuyên truyền cho chính quyền Đức quốc xã. "Tôi nghĩ việc so sánh World Cup 2018 với Olympic 1936 là đúng đắn", Johnson nói. Nga giận dữ, gọi đó là " mang tính xúc phạm và không thể chấp nhận được".

Nghị sĩ Anh Stephen Kinnock đề xuất Nga hoãn tổ chức World Cup hoặc giải đấu được chuyển đến một quốc gia khác. Ông và một số nhà lập pháp khác còn kêu gọi đội bóng Anh đơn phương rút khỏi World Cup.

Không chỉ Anh, Australia cũng gợi ý các phản ứng gay gắt liên quan đến World Cup ở Nga. Sau khi trục xuất hai nhà ngoại giao Nga được cho là gián điệp, Ngoại trưởng Australia cho biết họ có thể thực hiện thêm các biện pháp khác, chẳng hạn như tẩy chay giải đấu.

Thực tế, việc các sự kiện thể thao bị tẩy chay liên quan đến chính trị không phải là điều mới. Năm 1980, để phản đối việc Nga can thiệp quân sự vào Afghanistan, Mỹ đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay khiến chỉ 80/147 nước tham gia tranh tài tại Olympic ở Moscow. Bốn năm sau, Liên Xô và các đồng minh tẩy chay Olympic tại Los Angeles với lý do đưa ra là lo ngại về an ninh, dù nhiều người cho rằng đây là hành động trả đũa.

Giáo sư Simon Chadwick cho rằng nếu Anh hay một nước nào đó quyết định tẩy chay World Cup, động thái này sẽ chỉ mang tính biểu tượng chứ không thể thay đổi được chính sách đối ngoại của Nga. Không chỉ vậy, Putin rất có khả năng sẽ coi những hành động đó là cơ hội để củng cố vị thế trong nước, khi tinh thần chống phương Tây tại Nga ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, Anh có thể bị truất quyền thi đấu tại World Cup 2020 nếu tẩy chay giải đấu mùa hè này. Luật của FIFA quy định "tất cả thành viên hiệp hội đều phải đảm bảo tham gia tất cả trận đấu cho đến khi bị loại" và FIFA có thể trừng phạt nước tự ý rút lui trong các giải đấu sau đó.

Chadwick nhận định rằng nếu Anh muốn một cuộc tẩy chay có hiệu quả thì họ sẽ phải lôi kéo được nhiều nước tham gia để dẫn dắt một nỗ lực thống nhất. Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ khó khăn vì ảnh hưởng của nước này trong EU đã suy giảm từ sau khi họ quyết định rời khỏi liên minh. Mỹ, đồng minh thân thiết của Anh, không tham dự vòng chung kết World Cup năm nay do đội tuyển đã bị loại từ tháng 10 năm ngoái.

Mặc dù chịu nhiều sức ép từ các nghị sĩ, ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định Anh không có kế hoạch tẩy chay World Cup. "Làm thế sẽ giống như trừng phạt cả cổ động viên Anh", Johnson nói.

Tác giả: Kim Tuyến

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP