Tin thế giới

Vụ sập nhà tại Bangladesh: Ám ảnh xác chết ôm nhau trong đổ nát

Không biết bao nhiêu bức ảnh đau thương đã được chụp để ghi lại cảnh tượng tan hoang của vụ sập nhà 8 tầng ở ngoại ô thủ đô Dhaka, Bangladesh.

Nhưng bức ảnh đôi nam nữ ôm nhau chết của nhiếp ảnh gia địa phương Taslima Akhter là bức ám ảnh hơn cả, nói lên nỗi đau của tất cả đất chỉ trong một cảnh tượng.


“Bức ảnh đẹp một cách ám ảnh. Một vòng tay trong cái chết, sự dịu dàng vươn lên từ đống đổ nát và chạm vào chúng ta ở nơi mà con người dễ bị tổn thương nhất. Lặng lẽ nói với chúng ta. Không bao giờ nữa”, nhiếp ảnh gia Bangladesh Shahidul Alam, cây viết và là sáng lập viên của Viện nhiếp ảnh Nam Á Pathshala, nhận xét.




Bức ảnh được đăng tải trên tạp chí Time cùng bài viết cảm động của David Von Drehle:


Tôi được nhiều người hỏi về bức ảnh đôi nam nữ ôm nhau chết trong vụ sập nhà. Dù rất cố gắng, tôi vẫn không tìm được manh mối nào về họ. Tôi không biết họ là ai và quan hệ giữa họ là như thế nào.


Tôi mất cả ngày trời lùng sục quanh hiện trường vụ sập nhà, quan sát những công nhân may bị thương đang được cứu ra từ đống đổ nát. Tôi nhớ những ánh mắt sợ hãi của người thân của họ – tôi kiệt sức cả về tâm thần và thể chất. Lúc khoảng 2h chiều, tôi thấy một cặp nam nữ ôm nhau trong đống đổ nát. Nửa dưới cơ thể họ bị chôn trong đống bê tông. Máu chảy xuống từ đôi mắt của người thanh niên trông như giọt lệ. Khi tôi thấy họ, tôi không tin vào mắt mình nữa. Tôi cảm thấy như mình biết họ – họ rất gần với tôi. Tôi nhìn thấy họ vào giây phút cuối cùng họ bên nhau và cố cứu nhau, cố cứu lấy cuộc sống quý giá.


Mỗi khi xem lại bức ảnh này, tôi thấy khó chịu – nó ám ảnh tôi. Như thể họ đang nói với tôi rằng: Chúng tôi không phải con số – không chỉ là lao động giá rẻ và thân phận rẻ mạt. Chúng tôi cũng là con người như anh. Cuộc sống của chúng tôi cũng quý giá như của anh, và giấc mơ của chúng tôi cũng quý lắm.


Họ là nhân chứng của vụ tai nạn thảm khốc chôn vùi biết bao công nhân. Ở hiện trường tai nạn, con người giờ đây không khác gì con số.


Nếu những kẻ phải chịu trách nhiệm không chịu hình phạt cao nhất, thì chúng ta sẽ lại thấy thảm cảnh tiếp theo xảy ra. Tôi cảm thấy áp lực và nỗi đau cực kỳ lớn suốt 2 tuần qua khi xung quanh toàn thi thể người chết. Với tư cách một nhân chứng, tôi cảm thấy mình càn chia sẻ nỗi đau này với tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao tôi muốn cho đăng tải bức ảnh này.


Tổng số người thiệt mạng trong vụ sập tòa Rana Plaza tính đến hôm nay đã lên tới 892. Trong khi đó, một vụ hỏa hoạn xảy ra ở xưởng may khác ở Bangladesh vừa xảy ra đã giết chết 8 người.


Vụ hỏa hoạn xảy ra ở quận công nghiệp của thủ đô Dhaka, trong bối cảnh vụ tai nạn công nghiệp lớn nhất thế giới ở tòa Rana Plaza khiến cả thế giới chấn động trước tình trạng bóc lột thậm tệ và không bảo đảm an toàn cho công nhân lao động giá rẻ ở Bangladesh.


Hôm qua, chính quyền Bangladesh cho biết đã đóng cửa 18 xưởng may vì lý do an toàn sau khi xảy ra vụ sập Rana Plaza, nơi có 5 xưởng cung cấp quần áo cho các nhà bán lẻ nổi tiếng ở phương Tây.


Khoảng 2.500 người đã được cứu khỏi đống đổ nát của tòa nhà, trong đó có có nhiều người bị thương, nhưng không biết còn bao nhiêu người vẫn chưa được tìm thấy.


Chính phủ đổ lỗi cho chủ sở hữu và chủ thầu tòa nhà 8 tầng vì sử dụng nguyên vật liệu rẻ tiền và vi phạm thiết kế xây dựng.


Ngành công nghiệp dệt may của Bangladesh, chiếm tới 80% sản lượng xuất khẩu của quốc gia Nam Á nghèo khó, xảy ra hàng loạt vụ tai nạn chết người, gần đây là vụ hỏa hoạn nhà xưởng khiến 112 người chết vào tháng 11 năm ngoái.

Khám Phá

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP