Mới đây, TAND huyện Bình Chánh đã xử sơ thẩm vụ án anh Trần Xuân Trì (sinh năm 1987, quê Nghệ An) kiện Công ty CP SX Ninh Phát, yêu cầu bồi thường cho một cánh tay bị mất sau tai nạn lao động.
Tai nạn làm anh Trì suy giảm 65% khả năng lao động. Ảnh: TV |
Tòa nhận định: Căn cứ vào bảng chấm công cho thấy anh Trì đã có thời gian làm việc liên tục tại công ty đủ 12 tháng, công ty cho rằng bị đơn không phải là nhân viên của công ty là không có cơ sở. Việc công ty không ký hợp đồng lao động với anh Trì là vi phạm pháp luật lao động.
Tuy nhiên, tòa lại cho rằng anh Trì không đủ điều kiện để được bồi thường tai nạn lao động vì những lý do: Trước ngày xảy ra tai nạn, công ty đã có ngừng hoạt động, tổ chức tất niên và cho công nhân nghỉ Tết. Công ty cho rằng anh Trì (cùng với hai công nhân khác) đã tự ý vào xưởng vận hành máy và xảy ra tai nạn là có cơ sở.
Anh Trì và hai nhân chứng (hai công nhân cùng vào vận hành máy với anh Trì) cho rằng đã vào xưởng vận hành máy là theo yêu cầu của ông Nguyễn Quang Vinh nhưng không được công ty thừa nhận (ông Vinh là con ruột của bà Phạm Thị Định, Giám đốc công ty, không được tòa án triệu tập tham gia tố tụng).
Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, anh Trì không chứng minh được ông Vinh là người có chức vụ, quyền hạn gì trong công ty. Từ đó, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của anh Trì.
Trao đổi với PV, anh Trì cho biết đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
"Công nhân có chăm chỉ mấy ai cũng mong đến ngày nghỉ Tết. Tôi đâu có khùng đâu mà tự ý vào xưởng làm việc. Nhất nhất mọi việc trong công ty đều do ông Vinh điều hành, bản thân công nhân chỉ biết làm theo thôi…" - anh Trì thất vọng nói.
Như đã thông tin, tháng 9-2013, anh Trì vào làm nhân viên kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì máy tại Công ty Ninh Phát với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Hai bên không ký kết hợp đồng lao động nhưng anh Trì vẫn lưu trú lại nhà tập thể của công ty. Hằng tháng công ty chỉ trả lương, không đóng thêm bất kỳ khoản tiền bảo hiểm nào cho anh.
Ngày 5-2-2016, công ty tổ chức tất niên và cho công nhân nghỉ Tết. Tuy nhiên, do có một số máy móc cần sửa chữa nên công ty đã yêu cầu anh Trì cùng một số công nhân ở lại làm thêm một ngày. Anh đồng ý ở lại làm việc, đến chiều thì xảy ra tai nạn. Hậu quả làm anh phải cưa một cánh tay phải, suy giảm khả năng lao động đến 65%.
Theo anh Trì, sau tai nạn công ty đã hỗ trợ cho anh số tiền 14 triệu đồng và bốn hộp sữa.
Đến tháng 8-2016 thì công ty cho anh nghỉ việc. Anh đã nhiều lần làm đơn xin cứu xét, hỗ trợ thêm nhưng phía công ty từ chối.
Anh khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, buộc công ty phải bồi thường cho anh số tiền hơn 200 triệu đồng.
Tác giả: THANH VÂN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM