Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm |
Những “lời khuyên” bất thường
Như phunuvietnam.vn đã phản ánh, ở phiên toà ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên, ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tọa phiên tòa đã đưa ra những nhận xét, khuyên răn không phù hợp với nguyên tắc của một thẩm phán.
Có thể nói, mâu thuẫn lớn nhất trong phiên tòa ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là vấn đề phân chia tài sản, bao gồm tiền, vàng, ngoại tệ đang gửi tại các ngân hàng và cổ phần, phần góp vốn trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Cả hai phía (bà Thảo và ông Vũ) đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, điều đó không có gì đáng trách, vì khối tài sản chung của họ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đó là chưa nói đến giá trị thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên.
Tuy nhiên, điều khó hiểu trong phiên toà này nằm ở vị chủ tọa phiên toà.
Trong những ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm mà PV theo dõi, ông Nguyễn Văn Xuân, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa liên tục đưa ra những nhận xét, khuyên nhủ với bà Thảo, như: "Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng. Ông Vũ không có tài thì không thể nào đưa một cơ sở nhỏ thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Bà về chăm 4 đứa con, rút khỏi HĐQT cho ông Vũ điều hành toàn bộ. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng mà. Rút đơn rồi giao toàn bộ công ty lại cho ông Vũ có được không?".
Trước lời đề nghị thẳng thừng của Chủ tọa, bà Thảo ngập ngừng trình bày những điều còn trăn trở. Bà cho rằng, bản thân mình là phụ nữ nhưng cũng là một doanh nhân nổi tiếng có khát vọng, có quyền làm việc. Ngoài ra, bà cũng bày tỏ những lo lắng về sức khỏe của ông Vũ, lo sợ về tương lai của Trung Nguyên, lo chồng để rơi công ty vào tay người khác…
Khi nghe bà Thảo nói vậy, thẩm phán Xuân nói: "Tôi đọc hồ sơ, thấy ông Vũ không có biểu hiện gì là không chung thủy với vợ, ổng rất quan tâm đến vợ con. Toàn bộ tài sản ở ngân hàng không có tên Vũ và toàn tên chị, chứng tỏ rất tin chị. Ông Vũ sống với chị chung thủy, đàng hoàng, không có dấu hiệu gì ông ngoại tình".
Không chỉ vậy, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân còn cho rằng Trung Nguyên vẫn có lợi nhuận, tổng doanh thu ngày càng lớn trong hàng chục năm nay. Ông Xuân nhiều lần đánh giá ông Vũ là người thông minh, đủ sức khỏe gánh vác trọng trách đưa Trung Nguyên thành thương hiệu vươn tầm ra thế giới.
"Bây giờ chị rút đơn về trông coi quản lý tài sản. Lợi tức chị giữ, bàn giao công việc cho ông Vũ, cuộc sống như bà hoàng... Con chị trưởng thành rồi. Ông Vũ sẽ bổ nhiệm con, sau đó nó sẽ quản lý luôn. Chị vừa giữ gia đình, sau này có tài sản. Cháu lớn gần 20 tuổi, học nước ngoài đủ gánh vác. Chị sống như bà hoàng", chủ tọa bày tỏ nhận định của bản thân.
Ông khuyên nhủ bà Thảo: "Thế nên ông bà cứ nghe thẩm phán xúi dại một lần đi, thôi thì rút đơn rồi về với các con. Tất cả tài sản, doanh nghiệp giao cho ông Vũ quản lý, điều hành rồi chị rút khỏi công ty... Chị có mất gì đâu. Chị không mất gì, chị được chồng, ông Vũ được vợ. Chị về xin lỗi mẹ, xin lỗi chồng".
Khi bà Thảo cho rằng: "Tôi không có gì sai thì tại sao phải xin lỗi", vị chủ tọa tiếp tục nhấn mạnh bà Thảo sẽ không mất gì khi rút đơn, dành thời gian cho hai bên hòa giải.
Trước lời khuyên của chủ tọa, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo) đã lên tiếng phản ứng gay gắt: "Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một người bị cấm không cho vào công ty mấy năm nay đi về nấu cơm nấu nước, chăm lo cho chồng? Lời khuyên này không phù hợp"…
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo |
Có dấu hiệu thiếu khách quan, vi phạm pháp luật
Nhận định về những “lời khuyên” nói trên, nhiều luật sư cho rằng vị chủ tọa này đã không thực thi đúng nguyên tắc vô tư, khách quan của người “cầm cân nảy mực”.
Luật sư Nguyễn Trung Thành, Đoàn Luật TP Hà Nội, cho rằng: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân có lời nói hoặc hành vi có tính định hướng, theo hướng có lợi cho một bên là vi phạm nguyên tắc “đảm bảo sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự”.
Trong quá trình tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc, thẩm phán được phân công giải quyết có trách nhiệm tiến hành hòa giải, động viên các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc nhưng tuyệt đối không được đưa ra quan điểm mang tính chủ quan của cá nhân, áp đặt hoặc gợi ý trái luật.
Chủ tọa chỉ có thể giải thích pháp luật để các bên tự quyết định về việc giải quyết vụ việc. Nếu các bên không tự thỏa thuận được hướng giải quyết vụ việc thì tòa án sẽ quyết định trên cơ sở pháp luật. Việc hòa giải của tòa án diễn ra trước khi mở phiên tòa.
Tại phiên tòa, HĐXX có thể động viên để các bên thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa tiếp tục xét xử và đưa ra phán quyết bằng một bản án.
Phiên tòa xét xử vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên cũng không nằm ngoài những nguyên tắc chung này…
Còn theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), “lời khuyên” của vị chủ tọa không những không bảo đảm về sự vô tư, khách quan của người “cầm cân, nảy mực”, mà còn cho thấy không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
Điều 17 và Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rõ về sự bình đẳng của vợ chồng về quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân; quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Vợ chồng có quyền ngang nhau trong quan hệ hôn nhân, tài sản, nuôi dưỡng con cái; đồng thời một trong các bên có quyền đơn phương yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn, không ai có quyền cản trở việc thực hiện quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của vợ hoặc chồng.
Việc bà Thảo yêu cầu ly hôn là quyền của đương sự, phù hợp với quy định pháp luật.
Thế nhưngtrong quá trình giải quyết, chủ tọa lại “động viên” bà Thảo giao công ty cho ông Vũ quản lý, lui về chăm sóc con cái là sự thiếu chuẩn mực. Bởi lẽ, việc chăm sóc, nuôn dưỡng con cái không chỉ của riêng người vợ, mà là trách nhiệm của cả vợ chồng. Đồng thời, người vợ có quyền bình đẳng với chồng trong việc quản lý, khai thác tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Đặc biệt, câu nói của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa còn đi ngược lại tinh thần, nguyên tắc cơ bản của Luật Bình đẳng giới. Ngay tại khoản 3, Điều 5 của Luật này đưa ra khái niệm về bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó…
Nhận định về những “lời khuyên” cho đương sự của thẩm phán Nguyễn Văn Xuân, ông Vũ Phi Long (nguyên thẩm phán TAND TPHCM), cho rằng: HĐXX không được thể hiện ý chí của mình đối với đương sự khi xét xử. Trong khi đang giải quyết vấn đề mà chủ tọa đưa ý kiến cá nhân là không phù hợp.
"Chuyện của đương sự là của đương sự. HĐXX là người đứng ở vị trí trung lập để tìm hiểu, lắng nghe các bên và đưa ra phán quyết sau đó, chứ không thể nói thay cho ý chí của bên nào.", ông Vũ Phi Long nói.
Nói về việc chủ tọa khuyên bà Thảo lui về quán xuyến gia đình, ông cho rằng việc này không phù hợp với nguyên tắc khách quan khi xét xử. Chủ tọa không nên đưa ý kiến của cá nhân cho đương sự tham khảo, cũng không có trách nhiệm tư vấn mà chỉ có thể hòa giải.
Còn luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) cũng cho rằng, cách đặt vấn đề của chủ tọa là chưa phù hợp. Luật sư Ngọc Nữ cho rằng khi xét xử phải khách quan, vô tư, đảm bảo bình đẳng giới, cách khuyên nhủ của thẩm phán Xuân có phần thiên vị.
"Việc hòa giải phải được tiến hành trước đó. Trước khi phiên tòa bắt đầu, HĐXX cũng đã hỏi lại vấn đề hòa giải của hai bên nên việc chủ tọa đề nghị bà Thảo rút đơn để hòa giải là không đúng. Đó là chưa kể chủ tọa có nhiều nhận định rất chủ quan", luật sư Nữ nói.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam