Học sinh phải nhập viện cấp cứu sau khi hứng 231 cái tát từ bạn và cô giáo |
Những ngày qua, dư luận huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đang xôn xao việc một học sinh lớp 6 bị cô chủ nhiệm lớp yêu cầu cả lớp tát 231 cái khiến em này phải nhập viện.
Cô giáo chủ nhiệm trong vụ việc này phải gánh chịu hệ quả gì từ hành vi của mình? Giải pháp để nào ngăn ngừa nếu có trường hợp tương tự xảy ra khi trường học không "an toàn" với trẻ?
Phóng viên Infonet đã trò chuyện với luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xung quanh vụ việc này.
Qua theo dõi diễn biến vụ việc mà báo chí phản ánh, ông nhận định như thế nào trong vụ việc cô giáo bắt các học sinh tát bạn và chính tay tát học trò tổng cộng lên tới 231 cái phải nhập viện cấp cứu, những tình tiết trên theo luật sư có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Sau khi nghe được thông tin liên quan đến trường hợp của cháu N tôi thật sự bất ngờ trước hành động dã man của một cô giáo đứng trên bục giảng, theo tôi đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nghề giáo. Cô giáo gây ra sự việc có thể phải đối mặt với tội danh hình sự.
Pháp luật không cho phép giáo dục bằng hành động bạo lực dã man như vậy, nhất là đối với một đứa trẻ. Bất kỳ lý do gì, giáo viên cũng không được phép đánh học sinh. Trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Về hành vi khách quan, việc bắt các cháu học sinh tát cháu N. có thể theo cô giáo là cách “giáo dục” nhưng dưới góc độ pháp lý đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe.
Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng sức khỏe người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của cháu N mà cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 hoặc cô giáo cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.
Trường hợp, tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 BLHS 2015. Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân. Đối xử tàn ác chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng |
Tôi nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng cần có sự can thiệp từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền một cách kịp thời.
Nếu chiểu theo Luật giáo dục thì cô giáo này đối diện với hình thức xử lý gì thưa ông?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Có thể thấy, cách "giáo dục mạnh tay" của giáo viên chủ nhiệm đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của cháu N. Liên quan đến vấn đề này, luật giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định như sau:
Điều 75. Các hành vi nhà giáo không được làm
Nhà giáo không được có các hành vi sau đây:
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.
..........
Điều 118. Xử lý vi phạm
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
…
e) Xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo; ngược đãi, hành hạ người học;
g) Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác;
…..
k) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giáo dục.
2. Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:
Điều 21. Vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học
…..
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì cô giáo có thể bị xử lí kỉ luật, phạt tiền, bị đình chỉ giảng dạy hoặc thậm chí bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về tội phạm như đã đề cập ở trên.
Theo ông, có cần thiết luật hoá quyền được bảo vệ nhân phẩm, thân thể học sinh trong Luật Giáo dục như ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) đã kiến nghị?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Theo tôi, việc này là hết sức cần thiết. Bởi một vài năm trở lại đây, hàng loạt những vụ bạo hành trẻ em và học sinh liên tiếp được đưa ra ánh sáng. Điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo rằng một bộ phận người hành nghề sư phạm hiện nay đang đi ngược lại với việc xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh qua những biện pháp “phạt” học sinh quá mức cần thiết của họ.
Đành rằng việc áp dụng một vài hình phạt đối với học sinh “không ngoan” là chấp nhận được.
Tuy nhiên, theo tôi cần phân biệt rõ giữa hành vi “phạt” học sinh vừa đủ để răn đe, làm gương, vừa đủ để khiến các em biết rằng mình sai và không được tái phạm với hành vi “phạt” học sinh quá mức cần thiết dẫn đến ảnh hưởng nặng nề tới thân thể, tâm lý các em – nhất là các em lại ở độ tuổi đang lớn, đang hoàn thiện nhân cách. Hơn nữa, sau vụ việc này chắc chắn những thiệt hại về thể chất, thương tổn về tinh thần mà các hội chứng tâm lý gây ra cho cô và trò là rất lớn.
Trong vụ việc này, không chỉ học sinh bị đánh là nạn nhân, mà những em học sinh bị cô giáo biến thành công cụ đánh bạn là nạn nhân thứ hai. Nếu không có những biện pháp ngăn ngừa, trợ giúp, can thiệp sớm sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến cả cuộc đời về sau của cả giáo viên và học sinh.
Vì vậy, theo tôi đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những quan điểm mạnh mẽ, bình đẳng trong mối quan hệ thầy và trò, dạy và học, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về giáo dục, mối quan hệ giữa người học và người dạy học để mọi người đều được bảo vệ, yên tâm dạy/học trong một môi trường sư phạm đúng nghĩa – một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Thường xuyên tiếp xúc, dạy dỗ các em học sinh là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự bình tĩnh, khéo léo và tinh tế.
Dù các em học sinh có gây ra nguyên nhân gì đi chăng nữa thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được.
Tuy nhiên, cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh của sự việc. Bởi theo tôi, nếu việc giáo dục ngay từ nhỏ đối với trẻ là đủ tốt, thì sự việc trên liệu có xảy ra? Nếu liên tục dùng vũ lực để dạy bảo thì trẻ sẽ rạn đòn và càng ương bướng.
Vì vậy, nếu chỉ xử lý phần ngọn (xử phạt theo hậu quả của sự việc) thì không bao giờ đủ tính răn đe và chắc chắn vẫn có trường hợp tái phạm. Theo tôi, chúng ta phải xử lý cùng lúc cả phần gốc và phần ngọn của vấn đề thì mới đem lại sự hiệu quả.
Xin cảm ơn luật sư!
Tác giả: N. Huyền
Nguồn tin: Báo Infonet