Formosa xả thải

Vụ chôn lấp hàng trăm tấn chất thải trái phép: Formosa Hà Tĩnh không dễ “phủi” trách nhiệm

Clip hiện trường vụ việc:

Mặc dù đã tính toán kỹ lưỡng, “gài” vào bản hợp đồng nhiều điều khoản nhằm trút tội cho đối tác khi xảy ra sự cố, song Formosa Hà Tĩnh không thể trốn tránh trách nhiệm, trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. DN ở Hà Tĩnh nói riêng và trên cả nước nói chung có thêm một bài học “đắng” từ vụ việc.
Bùn thải Formosa được chôn lấp trái phép tại đầu nguồn nước.
Bùn thải Formosa được chôn lấp trái phép tại đầu nguồn nước.
Thiếu kinh nghiệm, Cty môi trường “bị lừa”.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Hòa – Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng và Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (gọi tắt là Cty MTĐT Kỳ Anh) – cho rằng, nếu trong bùn bánh của Formosa có chất độc hại, thì ông đã bị Formosa “lừa”.
Theo hợp đồng hai bên ký kết ngày 15.3.2016, bên A (Formosa) chuyển giao cho bên B (Cty MTĐT Kỳ Anh) bùn bánh công nghiệp thông thường và bùn bánh sinh hoạt thông thường. Bên B đưa bùn đến vị trí xử lý được pháp luật Việt Nam cho phép, chi phí xử lý do bên B trả. Mọi vấn đề phát sinh ô nhiễm môi trường, bên B hoàn toàn chịu trách nhiệm, bùn đã ra khỏi cổng là bên A “vô can”.
Trong vụ làm ăn này, với kinh nghiệm hàng trăm năm đầu tư ra nước ngoài, làm ăn với đối tác và xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường, Formosa đã tính toán hết sức kỹ lưỡng khi xây dựng các điều khoản để “lách luật” và không phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Thậm chí họ còn quy định khi xe của bên B chạy thì vị trí lấy bùn phải được thu dọn sạch sẽ trước đó.
Các rủi ro, nếu có, sẽ dồn lên vai đối tác. Trong khi đó, với sự non nớt, cách suy nghĩ đơn giản, Cty ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh dễ dàng chấp nhận tất cả các điều kiện Formosa đưa ra, miễn là ký được hợp đồng, có công việc, thu nhập. Họ đã không lường hết tất cả các khả năng trước khi đặt bút ký hợp đồng; không nhận thức được hậu quả vô cùng lớn khi sự cố xảy ra.
Đúng ra, hợp đồng phải được nghiên cứu rất kỹ, bàn thảo nhiều lần trước khi ký. Trong trường hợp này, giá trị của hợp đồng phải cao hơn nhiều lần. Cụ thể, Formosa phải trả chi phí xử lý rác độc hại và thông thường theo quy định hiện hành, cộng với chi phí vận chuyển và các chi phí khác.
Tuy nhiên, Cty MTĐT Kỳ Anh lại chấp nhận ký với giá bèo bọt 1.000 đồng/kg bùn, với suy nghĩ đơn giản là loại rác này không độc hại, có thể bón cây. Và hậu quả là tiền từ Formosa thì chưa thấy đâu, nhưng đã phải chi hàng trăm triệu đồng để khắc phục, thậm chí có thể bị khởi tố.
Formosa không dễ dàng “phủi” trách nhiệm
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy bùn bánh là chất thải nguy hại thì Cty MTĐT Kỳ Anh phải gánh hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, Formosa cũng không thể dễ dàng phủi tay. Bởi vì trong chính hợp đồng hai bên ký kết, có điều khoản quy định phía Formosa có trách nhiệm giám sát bên B về việc đã xử lý bùn bánh đúng pháp luật hay chưa. Nếu phát hiện bên B làm trái hợp đồng, bên A có quyền xử phạt.
Qua kiểm tra, Sở TNMT Hà Tĩnh khẳng định, Formosa không thực hiện việc giám sát này. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Cty MTĐT Kỳ Anh tự ý chôn lấp bùn trái phép.

Mặc dù đã tính toán rất kỹ, nhưng Formosa không thể phủi trách nhiệm 
Cũng trong bản hợp đồng, Formosa có trách nhiệm bóc tách các chất độc hại khỏi bùn bánh, trước khi giao cho bên B vận chuyển đi xử lý. Bên B có quyền từ chối vận chuyển bùn nếu bên A thực hiện sai cam kết này.
Mặc dù đã “gài” điều khoản là khi bùn ra khỏi cổng, bên B phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng trong trường hợp trong bùn có chất độc hại, thì Formosa không thể “vô can”.
Bởi vì trong trường hợp này, hành vi vi phạm của Cty MTĐT Kỳ Anh là do vô tình; còn phía Formosa là cố ý vi phạm hợp đồng; đã biết rõ trong bùn thải có chất nguy hại vẫn giao cho bên B, trong khi bên B không có khả năng nhận biết.
Qua sự việc này, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh có thêm bài học cần vô cùng thận trọng khi thương thảo hợp đồng làm ăn với đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài như Formosa.

Quang Đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP