Formosa xả thải

Vụ cá chết: “Hà Tĩnh cần xử lý nghiêm sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm”

Đó là lời ông Đào Văn Tinh – Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh – khi nói về những hậu quả mà Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải độc ra biển vừa qua.

Chiều 30.6, Chính phủ họp báo khẳng định Formosa là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa-Thiên Huế. Tại cuộc họp báo này, ông Đặng Quốc Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – cũng đã trả lời câu hỏi về trách nhiệm của địa phương khi để Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.

Ông Vinh nói: Formosa là dự án lớn, được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh.

Cũng theo ông Vinh: “Khi có sự cố cá chết xảy ra, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các nhà khoa học, với các bộ, ngành T.Ư cung cấp các thông tin và yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân. Còn các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh như Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan đã có nhiều cuộc kiểm tra và đã có xử lý. Tuy nhiên, vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập, chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình”.

hatinh24h

Ông Đào Văn Tinh cho biết, tỉnh cần phải xử lý nghiêm các sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Trước sự cố ô nhiễm nghiêm trọng này, rất nhiều người dân Hà Tĩnh khi được hỏi đều cho rằng tỉnh Hà Tĩnh cần phải xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan lơi lỏng quản lý.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Văn Tinh – Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh – thẳng thắn nói: “Địa phương còn chủ quan, chưa am hiểu hết về Formosa”.

Ông Tinh cũng nêu lên mấy khuyết điểm của tỉnh Hà Tĩnh, đó là trong quá trình xem xét đệ trình chủ trương đầu tư của Formosa nhưng chưa thực sự chín muồi, thiểu hiểu biết đầy đủ về nhà đầu tư. Địa phương để cho Formosa quá nhiều ưu đãi. Đặc biệt trong quá trình giám sát của cơ quan nhà nước, chuyên ngành còn bộc lộ nhiều thiếu sót để đến lúc xảy ra sự cố nghiêm trọng người ta mới nhận thấy sự bất ngờ quá lớn, đây thuộc về ý thức, cụ thể ở đây là việc giám sát xả thải trước khi xảy ra sự cố quá lỏng lẻo. Do đó, tỉnh cần phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Liên quan đến việc xử lý hậu công bố nguyên nhân gây ra sự cố cá chết, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại nhằm thống kê chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Hội đồng gồm 18 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn làm Phó Chủ tịch hội đồng. Hội đồng này có nhiệm vụ đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đề ra giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương.

Nắm bắt tâm tư của ngư dân sau công bố nguyên nhân cá chết

Ngày 1.7, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp về các xã ven biển xung quanh dự án Formosa Hà Tĩnh thăm hỏi, lắng nghe ý kiến bà con ngư dân vùng bị thiệt hại.

Tại buổi gặp gỡ, rất nhiều ngư dân đã nêu lên những tâm tư nguyên vọng với Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng về những vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh. Tại buổi tiếp xúc này, bà con cũng bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt điều tra, công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố môi trường biển trong thời gian qua.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cam kết các giải pháp hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân, các giải pháp chuyển đổi nghề, xử lý, khắc phục môi trường biển.

Cũng trong ngày 1.7, UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định hỗ trợ tạm thời người dân một số chính sách để sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm tổ chức, người lao động và các nhân khẩu trong hộ có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất nhỏ hơn 90CV; dịch vụ hậu cần nghề cá; nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.

Hữu Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP