Các ý kiến nêu rõ, việc giải thể và sau khi sáp nhập, con em Hương Bình phải đi học xa, đường đi khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và đuối nước trong mùa mưa lũ vì điểm trường tại xã Hòa Hải thường bị ngập lũ, còn chuyển đến Trường THCS Phúc Đồng học phải đi qua đường Hồ Chí Minh tiềm ẩn tai nạn giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, trường THCS Hương Bình có bề dày truyền thống, sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học, điểm trường thuận lợi, không bị ngập lũ; chủ trương sáp nhập trường đúng nhưng triển khai vội vàng, chưa bàn bạc kỹ nên chưa được đa số nhân dân đồng tình…
Ông Bùi Xuân Đường ở thôn Bình Trung, có con học lớp 6, phản ánh: “Việc sáp nhập trường người dân không được bàn bạc, không được người dân đồng thuận. Người dân muốn gặp cán bộ xã để trình bày tâm tư, nguyện vọng rất khó khăn. Việc lựa chọn địa điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em đến trường. Hàng ngày phải đưa con đi học một quãng đường xa mất nhiều thời gian, phụ huynh không còn thời gian để chăm lo sản xuất”.
Ông Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, những băn khoăn của bà con là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, chủ trương sáp nhập, quy hoạch trường lớp để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay lộ trình sáp nhập trường Hương Bình là vào giai đoạn cuối của toàn tỉnh. Hiện các trường học sau khi sáp nhập đã đi vào học tập đảm bảo ổn định, chất lượng hơn so với trước khi nhập. Những khó khăn mà học sinh Hương Bình gặp phải sẽ được khắc phục. Về mùa mưa lũ sẽ cho các em học sinh nghỉ học và sẽ học bù để đảm bảo đúng chương trình. Hiện tỉnh đang triển khai thi công đường vượt lũ từ Hương Bình đến Hòa Hải nhằm tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách, an toàn về mùa mưa lũ. Đồng thời tỉnh, huyện cũng đã có các chính sách ưu đãi đối với các em học sinh Hương Bình như miễn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện nhà ở nội trú, hỗ trợ gạo, xe đạp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con là hoàn toàn chính đáng. Nhưng để đảm bảo yêu cầu, sự phát triển của ngành giáo dục và đảm bảo sự phát triển chung của tỉnh vừa trước mắt, cũng như lâu dài, là tất yếu của sự phát triển, không thể để manh mún các trường lớp như hiện nay. Tại buổi đối thoại này, phải làm rõ cái gì là cái thuận nhất, cái gì chưa hay, chưa thuận, để cùng mổ xẻ, làm rõ để tạo sự đồng thuận cao, tìm hướng giải quyết phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình về những thiếu sót của cán bộ cấp dưới trong quá trình triển khai việc sáp nhập trường tại địa phương này. Đồng thời giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để tất cả học sinh trong độ tuổi phải được đến trường học tập, không được để em nào bị thất học. Trong quá trình thực hiện còn điểm nào chưa phù hợp, chưa thấu đáo, cấp ủy, chính quyền cần phải khắc phục, sửa chữa kịp thời.