Sáng 22/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần đối đáp quan điểm xung quanh vụ án giữa Viện kiểm sát (VKS) và các luật sư.
Bác bỏ “tình tiết mới”
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Ngân hàng ACB và luật sư Lưu Văn Tám – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Á Châu (ACB) cung cấp thêm giấy xác nhận số dư tài khoản Vietinbank gửi cho khách hàng.
Đó là giấy xác nhận số dư tài khoản do bà Nguyễn Thị Ngân – phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký gửi ông Phạm Công Hoàng (1 trong 19 nhân viên ACB) đứng lên gửi tiền.
Theo đó, Vietinbank xác nhận tính đến ngày 31/12/2013, số dư tài khoản của ông Hoàng là 950.170.840 đồng, đề nghị ông Hoàng xác nhận số dư nêu trên và gửi lại cho Vietinbank trước ngày 15/1/2014. Nếu quá thời hạn trên mà không nhận được câu trả lời của ông Hoàng thì số dư trên là chính xác.
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa |
Từ đó, luật sư Tám cho rằng đây là tình tiết mới, chứng tỏ rằng tiền của ACB đã gửi vào Vietinbank, Vietinbank đang quản lý chứ không thể nói là gửi cho Huyền Như, Vietinbank không biết, không liên quan.
Đáp lại quan điểm trên, VKS khẳng định đây không phải là tình tiết mới vì đã có trong quá trình điều tra vụ án.
Trước đó, luật sư cũng cho rằng tại bản cáo trạng không nêu nhiều nội dung, quá trình xét hỏi, luận tội VKS cũng không đề cập đến những tình tiết này (trong đó có lời khai của một số người liên quan – PV) nhưng trong phần tranh luận, VKS lại đưa ra các tình tiết là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
VKS trả lời, với số lượng hồ sơ rất lớn, luật sư phải mất cả tuần mới chụp hết. Điều này cũng có nghĩa VKS không thể đưa ra tất cả chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Chốt lại quan điểm của mình, VKS khẳng định cáo trạng cáo buộc các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Mất tiền do lỗi…khách hàng?
Về phần trách nhiệm bồi thường trong vụ án, VKS bảo lưu quan điểm, bác đề nghị của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn và bị hại trong vụ án.
Cáo trạng xác định ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên bị chiếm đoạt hơn 1.698 tỷ đồng. VKS cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trên có phần lỗi của các công ty này.
Theo cáo trạng, sau khi thỏa thuận về số tiền gửi, mức lãi suất từ 18 đến 22%/năm, Như yêu cầu 3 công ty trên cung cấp hồ sơ để Như làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank. Khi đã có 3 bộ hồ sơ trên, Như lấy mẫu dấu của các công ty này để thuê khắc ba con dấu giả.
Sau đó, Như giả chữ ký, dùng con dấu giả làm lệnh chi giả để rút tiền của các công ty trên.
“Đại diện của các công ty đã có lỗi khi không đem con dấu thật, chữ ký thật đến mở tài khoản, làm giả thì làm sao Vietinbank có thể quản lý được?… Bị cáo Như yêu cầu chuyển là cứ chuyển, chuyển mãi dẫn đến thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng.
…Trong suốt thời gian dài cả 3 công ty cũng không hề thắc mắc tại sao mình gửi tiền cho Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè mà lại chuyển vào chi nhánh TP.HCM. Nếu không có lãi suất vượt trần nhận tiền ngay thì các bên có tin tưởng Vietinbank hay giao phó cho Như không?”, vị công tố viên lập luận.
Đối với một số trường hợp khác, Viện KS khẳng định Huyền Như đã giả danh Vietinbank để huy động vốn, chiếm đoạt tiền của các đơn vị, cá nhân. Các đơn vị cá nhân biết rõ việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần là sai quy định nhưng vì hám lợi nên vẫn gửi tiền dẫn đến việc Như dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, không có cơ sở cho rằng Vietinbank phải bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục…
M.Phượng