Kinh tế

Vinamilk dự thu tối thiểu 2,4 tỷ USD trong năm 2019

Với mức doanh thu tối thiểu 56.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng 6,4% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk cũng được kế hoạch không dưới 11.200 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2018, trong đó có đề cập tới kế hoạch kinh doanh trong năm 2019 của doanh nghiệp này.

Dự kiến doanh thu năm nay tối thiểu 2,4 tỷ USD

Theo đó, Vinamilk cho biết năm 2018, công ty ghi nhận 52.629 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ 3% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ, đạt 10.206 tỷ đồng.

Thị phần năm vừa qua của Vinamilk cũng đã tăng thêm 0,9% và tiếp tục đứng vị trí số 1 trong ngành sữa.

Theo ban lãnh đạo của Vinamilk, ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Hiện tại, mức tiêu thụ sữa bình quân của mỗi người Việt chỉ vào khoảng 19kg sữa/người/năm, mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 31,7kg; Hàn Quốc là 40,1kg, hay Malaysia cũng vào khoảng 26,7kg…

Dựa vào kỳ vọng này, Vinamilk cho biết trong năm nay công ty sẽ tiếp tục tập trung vào ngành sữa và các sản phẩm liên quan, ưu tiên khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành và mở rộng mới quan hệ hợp tác cũng sẽ được đẩy mạnh.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia để mở rộng thị trường.

Báo cáo lần này cũng tiết lộ mức doanh thu hợp nhất dự kiến của Vinamilk trong năm nay sẽ không thấp hơn 56.000 tỷ đồng. Đi kèm với đó, mức tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu không thấp hơn 20%, tương đương tối tiểu 11.200 tỷ đồng.

Liên quan tới kế hoạch M&A trong ngành sữa, mới đây, Vinamilk đã chính thức chào mua công khai 46,68% cổ phần của Công ty GTNfoods, một doanh nghiệp khá lớn trong ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm.

Theo đó, Vinamilk sẽ chào mua tối đa 116,71 triệu cổ phiếu đang lưu hành của GTNfoods với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, Vinamilk sẽ chi ra 1.517 tỷ đồng để sở hữu 46,68% cổ phần tại GTN.

Đại gia ngoại liên tục thu mua cổ phiếu

Chỉ tính từ đầu năm, 2 quỹ ngoại đồng thời cũng là 2 cổ đông lớn của Vinamilk gồm F&N Dairy Investments Pte. Ltd và Platinum Victory Pte. Ptd đã không dưới 3 lần đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu VNM.

Với khối lượng đăng ký mua lên tới hơn 17,4 triệu cổ phiếu, số tiền cả 2 quỹ ngoại này sẵn sàng chi ra lên tới gần 2.400 tỷ đồng. Từ cuối năm 2017 đến nay, cả 2 cổ đông này đều đặt tham vọng gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp phía Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm chung của những đợt đăng ký mua là cả hai đều chỉ mua được lượng cổ phiếu rất nhỏ so với số lượng mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra do thị trường không thuận lợi.

Vấn đề của cả F&N Dairy Investments Pte. Ltd và Platinum Victory Pte. Ptd không phải là giá VNM trên thị trường, bởi đứng sau 2 quỹ ngoại này đều là những “ông trùm” trong lĩnh vực tài chính.

Rất khó để F&N Dairy Investments Pte. Ltd của tỷ phú Thái hay Platinum Victory Pte. Ptd có thể mua được hơn 17,4 triệu cổ phiếu VNM hiện nay. Ảnh minh họa: Forbes.

Trong khi, đứng sau F&N Group chính là TCC Holdings, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, người đã chi gần 5 tỷ USD để thâu tóm cổ phần chi phối tại Sabeco hồi cuối năm 2017. Thì ông chủ đứng sau Platium Victory chính là những tỷ phú người Scotland sở hữu Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C).

Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu như hiện tại của VNM, để mua được lượng cổ phiếu lên tới 17,4 triệu đơn vị không phải điều đơn giản, vì phần vốn đều nằm trong tay các cổ đông tổ chức là các quỹ ngoại.

Theo đó, hơn 2/3 cổ phần Vinamilk đã nằm trong tay 3 nhà đầu tư lớn nhất là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (36%); F&N Group (20%) và Platinum Victory (10,6%).

Cũng theo báo cáo thường niên 2018 của Vinamilk, 20 cổ đông lớn nhất (phần lớn là cổ đông tổ chức) cũng sở hữu tới hơn 1,4 tỷ cổ phiếu VNM, tương đương 80,68% vốn doanh nghiệp. Trong đó, duy nhất SCIC là cổ đông trong nước còn lại toàn bộ là các quỹ ngoại.

Để mua được lượng cổ phần lớn như đăng ký, cả F&N Dairy Investments Pte. Ltd và Platinum Victory Pte. Ptd đều phải chờ vào một đợt thoái vốn từ một cổ đông tổ chức nào đó.

Trong khi SCIC chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy muốn thoái thêm vốn khỏi Vinamilk, thì các quỹ ngoại khác cũng chưa có ý định thoái vốn khỏi đây.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP