Dân thất vọng
Đúng 14h ngày 1/9, theo lịch hẹn với UBND tỉnh Hà Tĩnh, ba hộ ngư dân Nguyễn Văn Hồng, Lê Văn Thắm, Trần Quốc Tuấn (trú tại xã Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã đến để gặp gỡ với đại diện các ngân hàng trên địa bàn cũng như Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp, Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh trước việc ngân hàng Vietcombank từ chối cho vay vốn đóng tàu lớn sau sự cố Formosa.
Sau đó, trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM, anh Lê Văn Thắm tỏ ra thất vọng: “Cuộc gặp gỡ hôm nay tôi cho rằng là cuộc tranh luận giữa ngân hàng với các cấp, các ngành, chính quyền chứ không phải gặp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Không chỉ tôi mà cả hộ gia đình anh Tuấn, anh Hồng đều mong muốn ngân hàng xem xét lại để cho chúng tôi vay vốn đóng tàu ra biển.
Nhưng cuối cùng ngân hàng vẫn giữ nguyên quan điểm không cho chúng tôi vay vốn vì ảnh hưởng sự cố môi trường biển”.
Vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phản ánh sự việc với PV. Ảnh: Báo Giao Thông |
Anh Thắm cho biết thêm, ngay cả chính quyền huyện Nghi Xuân cũng rất bức xúc với thái độ thờ ơ của đại diện ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Hà Tĩnh.
“Cuộc họp chưa có gì khả quan cả. Anh Hưng, Phó Chủ tịch huyện bất bình trước việc ngân hàng từ chối cho ngư dân vay vốn đã đứng lên nói rất nhiều nhưng họ cũng không giải quyết. Bên chính quyền khẳng định rằng hậu quả đã được cơ bản khắc phục rồi nhưng ngân hàng vẫn kiên quyết từ chối”, anh Thắm nói.
Cùng tâm trạng, ngư dân Nguyễn Văn Hồng cũng không giấu nổi nỗi buồn sau cuộc gặp với tỉnh và đại diện ngân hàng Vietcombank.
“Thật sự tôi quá thất vọng. Càng hi vọng vào cuộc gặp hôm nay bao nhiêu thì thái độ của ngân hàng Vietcombank càng khiến chúng tôi thêm phần bi quan. Tôi vì chán nản nên cũng chưa muốn về nhà. Nghị định 67 của chính phủ về cho ngư dân vay vốn để đóng tàu lớn ra khơi, khắc phục khó khăn nhân văn là thế. Tại sao phía Vietcombank lại không giải quyết khi chúng tôi có đầy đủ điều kiện”, anh Hồng đặt câu hỏi.
Anh Hồng cho biết, cả gia đình bao thế hệ, từ đời bố anh đến anh đều gắn bó với nghề biển. Thu nhập lớn bé đều sống nhờ vào những chuyến ra khơi. Nếu không được vay vốn, anh Hồng cũng không biết sắp tới sẽ làm nghề gì để nuôi sống gia đình.
“Giờ gia đình tôi vẫn có tàu ra biển đánh cá. Nhưng tàu nhỏ và cũ lắm rồi. Sản lượng đánh bắt cá muốn tăng thêm cũng khó. Mòn mỏi chờ đợi ngân hàng trong vòng 6 tháng từ tháng một đến nay nhưng giờ lại tự trả lại hồ sơ, không được vay vốn. Chúng tôi không biết những ngày tới sẽ sống sao nữa”, anh Hồng buồn bã nói.
Khảo sát thị trường cá ở đâu?
Cũng là một trong 3 ngư dân tham dự cuộc họp với Vietcombank chiều 1/9, anh Trần Quốc Tuấn (trú tại xã Xuân Hội, Nghi Xuân) cho rằng việc ngân hàng nói lý do không cho gia đình anh và 2 hộ khác vay vốn vì giá cả thấp sau ảnh hưởng của Formosa là hoàn toàn không đúng.
Anh Tuấn dẫn chứng: “Xã chúng tôi giáp Nghệ An, ảnh hưởng không đáng kể. Ngày xưa cá bán giá 17 thì giờ chúng tôi bán 16, loại nhỏ hơn thì 12,13 không chênh lệch nhau nhiều gì cả. So với thị trường năm 2013 thì không sụt giảm gì cả. Hiện tại tôi đang đi một chiếc tàu máy 300 CV. Thuyền đi 2 ngày mà mọi người báo về đã được 3 tạ cá và vẫn tiếp tục đánh bắt ngoài đó. Tôi cũng báo cáo với ngân hàng Vietcombank như thế.
Cá ngư dân đánh bắt về không bao giờ bán được cho những chợ đó. Thử hỏi 1 tấn cá bán ở chợ bao giờ mới hết. Chúng tôi đi khắp mọi nơi. Sẵn Bình Định, Hải Phòng, Cát Bà, Nam Định tới đâu thì ghé vào bán luôn cho các thương gia lớn ở đó”.
Anh Tuấn cho biết, để làm thủ tục vay vốn ngân hàng đóng tàu cỡ lớn, đã 6 tháng nay anh phải nghỉ ra khơi ở nhà thuê thiết kế, xin xác nhận của các cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh.
“Chúng tôi đi vay vốn theo chủ trương của Nhà nước, được chính phủ phê duyệt chứ không phải đi ăn xin. Từ xã đến tỉnh đều ủng hộ ngư dân vay tiền đóng tàu cỡ lớn.
Ngoài việc an toàn thuận lợi hơn cho ngư dân ra khơi thì còn để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc nữa. Có những tàu lạ xâm phạm lãnh hải Việt Nam thì chính ngư dân chúng tôi phát hiện và điện báo về cho nhà nước, cho cơ quan chức năng.
Ngân hàng Vietcombank bắt chúng tôi chờ đợi 6 tháng trời. Lúc đầu thì nói chưa biết nguyên nhân dẫn đến cá chết, khi biết sự cố do Formosa xả thải gây ra thì họ tiếp tục từ chối.
Tôi rất bức xúc trong cuộc họp nhưng không nói nổi thành lời. Họ bắt ngư dân đi lên đi xuống, đi ngang đi dọc…”, anh Tuấn bức xúc nói.
Dù ngư dân đã trình bày nguyện vọng, đại diện chính quyền huyện, Sở Nông nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh cùng góp ý nhưng anh Tuấn cho biết phía ngân hàng Vietcombank vẫn không lay chuyển quyết định.
“Ngân hàng nói tạm hoãn vay vốn, sau này khắc phục môi trường, giá cả ổn định thì mới làm hồ sơ cho chúng tôi vay. Có cơ sở gì mà nói với chúng tôi như vậy.
Họ không cho chúng tôi vay nên mới gây khó khăn như vậy. Chứ nếu hiểu được hoàn cảnh thì chắc không quyết định như vậy.
Chúng tôi đã quá khổ với nghị định 67 này rồi. Tiền bỏ ra mỗi người chi phí thiết kế, đi lại là 100 triệu/người. Nhiều hộ gia đình đắp vách đất nhưng mấy ngân hàng khác họ vẫn giải quyết, nhiệt tình cho vay vốn. Dẫu bị làm khó, chúng tôi vẫn quyết tâm tiếp nối truyền thống của cha ông. Ngư dân sẽ gửi đơn lên tỉnh, nếu không giải quyết được thì sẽ gửi đơn lên thủ tướng, chính phủ để xem xét, giải quyết”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngồi bên cạnh, anh Thắm tiếp lời: “Chúng tôi đề nghị ngân hàng và các cấp, các ngành, chính quyền huyện, tỉnh có chung một tiếng nói, tạo điều kiện để ngư dân chúng tôi vay vốn, sau này đỡ khổ hơn. Ngư dân chúng tôi cũng chẳng mong gì hơn cả. Mong chính quyền và ngân hàng đồng thuận để cho ngư dân được hưởng quyền lợi của mình”.
NHNN sẽ tìm phương án giải quyết Sau khi báo chí đưa tin về việc một số ngân hàng ở Hà Tĩnh từ chối cho ngư dân vay đóng tàu đánh bắt xa bờ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên tiếng. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, qua cập nhật thông tin của lãnh đạo chi nhánh NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, một số trường hợp chủ tàu bị từ chối cho vay vì trong quá trình đánh giá, thẩm tra phương án vay vốn thấy rằng khả năng thu hồi vốn của người dân không khả thi. Vì thế ngân hàng từ chối. “Tuy nhiên, trên thực tế, chi nhánh NHNN tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cụ thể và cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm phương án giải quyết”, bà Phó Thống đốc NHNN nói. |
Lê Hoàng