Người Việt thường truyền tai nhau nhiều điều cấm kỵ trong tháng cô hồnẢNH MINH HỌA: ĐỘC LẬP |
Một tiến sĩ Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết trong dân gian, người Việt gọi đây là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”.
Cũng trong quan niệm của người Việt, con người gồm hai phần là phần hồn và phần xác. Khi chết đi, con người chỉ chết phần xác còn phần hồn vẫn tồn tại. Ai khi sống ăn ở hiền lương, tích đức thì được đầu thai thành kiếp khác, ngược lại người nào làm nhiều việc ác thì bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói và chịu nhiều hình thức tra tấn dã man.
Nhiều người tham gia "giật cô hồn" tại TP.HCM |
Câu chuyện được mọi người truyền tai nhau về tháng này là từ mùng 2.7 âm lịch, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng. Thường ma quỷ sẽ trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến sau 12 giờ đêm ngày 14.7 thì ma quỷ phải quay trở về địa ngục.
Lưu truyền qua nhiều đời bằng hình thức truyền miệng, cho đến nay, người Việt thường cúng cô hồn vào ngày mùng 2, 15, 16.7, một số nơi cúng sớm hơn hoặc trễ hơn nhưng đều cúng vào buổi chiều tối. Vì tin như vậy nên người Việt thường sắm cỗ cúng “cô hồn” để không bị quấy phá.
Một số cửa hàng, doanh nghiệp chuẩn bị mâm cúng rất thịnh soạn, thường là một con heo sữa, trái cây, gạo và tiền. Nhiều người dân trong ngày này cũng rủ nhau đi “giật cô hồn”, thậm chí cầm vợt để hứng tiền gia chủ “xả” sau khi cúng xong.
Nguồn gốc những điều kiêng kỵ?
Theo vị tiến sĩ này, ngày trước ở nông thôn Việt Nam, đất đai còn trống vắng, cây cỏ lại nhiều mà niềm tin vào ma quỷ lại gắn liền với sinh thái nên người dân cho rằng ở nơi nào trống vắng là nơi đó có ma quỷ.
Người Việt quan niệm rằng tháng “cô hồn” là tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn nên kiêng việc cưới hỏi, mua sắm, khai trương, đi xa. Mọi người truyền tai nhau những điều cấm kỵ trong tháng “cô hồn”, qua nhiều đời dần trở thành phong tục riêng của dân tộc.
Tháng 7 âm lịch là dịp lễ Vu lan báo hiếu. Trong dịp này, nhiều người đi chùa cầu bình an cho cha mẹ |
Một số điều cấm kỵ được mọi người truyền tai nhau phổ biến như: không treo chuông gió ở đầu giường; không đi chơi đêm; không nhổ lông chân; không cắt tóc; không gọi tên nhau; không hù người khác; không tùy tiện đốt vàng mã; không ăn đồ cúng; phụ nữ và trẻ em không phơi đồ ở ngoài vì ma quỷ đi qua sẽ ướm thử và để lại “quỷ khí” làm người mặc đau ốm; không chụp ảnh ban đêm vì như vậy sẽ dễ thấy ma quỷ trong bức ảnh; không bơi lội,…
Tuy nhiên, một số điều cấm kỵ không có căn cứ, số còn lại là những lời truyền miệng xuất phát từ những đặc điểm thời tiết của tháng 7.
Tháng 7 là tháng mưa nhiều không thuận tiện cho việc tổ chức cưới hỏi, khởi công xây dựng. Vì mưa nhiều nên việc bơi lội, phơi đồ ở ngoài cũng dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến đau ốm. Đồ cúng để ngoài trời nguội lạnh khi ăn cũng không tốt cho sức khỏe. Việc kiêng chụp ảnh là do thời xưa chưa có máy ảnh, người dân chỉ đi tìm người vẽ chân dung khi chuẩn bị qua đời cần ảnh để bày lên bàn thờ.
Còn lại những điều kiêng kỵ như không nhổ lông chân, không treo chuông gió đầu giường hay không tùy tiện đốt giấy tiền...theo vị tiến sĩ trên thì đều là phi thực tế và không có căn cứ.
Dẫu biết nhiều truyền thuyết cấm kỵ mang tính tâm linh thật khó lý giải bằng cơ sở khoa học nhưng không ít người Việt vẫn thành tâm tuân thuận như một cách thể hiện tâm niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" từ bao đời nay.
Tác giả: Diệu Mi
Nguồn tin: Báo Thanh niên