Trong trường học thì năm nào mà chả có những kì thi học sinh giỏi. Đây là tiêu chí thi đua hàng đầu mà các trường hướng tới. Nào là kì thi học sinh giỏi vòng huyện rồi đến vòng tỉnh. Các phần thưởng trường, Phòng Giáo dục đưa ra bao giờ cũng rất hấp dẫn. Vì thế ngay từ những tuần đầu tiên của năm học, Ban giám hiệu đã phân công nhiệm vụ ôn luyện học sinh giỏi cho các tổ chuyên môn và các giáo viên. Các giáo viên được lựa chọn bồi dưỡng thường là những giáo viên có chuyên môn vững.
Là một giáo viên cũng từng bồi dưỡng học sinh giỏi nên tôi biết những áp lực mà giáo viên phải chịu. Khi bồi dưỡng mà có học sinh đậu thì đó là niềm vui của cả thầy và trò, còn nếu không có giải thì giáo viên thật sự chịu áp lực. Nhiều khi Ban giám hiệu cũng không nói gì, nhưng việc tuyên dương rình rang các giáo viên có học sinh giỏi khiến thầy cô khác cảm thấy chạnh lòng. Rồi còn suy nghĩ của phụ huynh nữa chứ. Họ thường nghĩ tại cô/thầy chưa giỏi, chưa có kinh nghiệm nhiều nên học sinh mới không có giải. Rồi họ truyền tai nhau thầy cô này giỏi, thầy cô kia dở... Vì thế mà giáo viên bồi dưỡng chịu rất nhiều áp lực.
Khi bồi dưỡng, bản thân tôi cũng hay tạo áp lực cho học sinh, có điều tôi không áp lực theo kiểu cô giáo trong bài mà tác giả Thanh Thanh phản ánh mà thôi. Những ngày sắp thi tôi cũng kéo các em đến trường suốt. Nhìn các em phờ phạc, bản thân tôi cũng thương lắm. Nhưng vì nhiều lí do mà tôi cũng hay làm khổ các em. Ngày nào các em phải học miệt mài từ sáng tới chiều, tối về nhà lại ôm thêm một xấp bài tập để luyện thêm. Có điều ngày thi rồi cả thi xong bao giờ tôi cũng động viên các em. Những em giải thì vui, còn những em chưa may mắn cũng không lấy đó mà cảm thấy buồn quá.
Cô bé mà tác giả Thanh Thanh phản ánh bị áp lực là điều không tránh khỏi. Một cô bé mới học lớp 8 mà ôm đồm những hai môn Văn và Lý. Chúng ta thử hỏi làm sao cô bé học tốt được cả hai môn? Có thể em học khá ở cả hai môn thật. Thế nhưng học kiểu nhồi nhét thử hỏi bé làm sao tiếp thu hết. Chưa kể những áp lực của thầy cô đối với bé. Cái đáng buồn nhất cho cô bé là không nhận được lời động viên an ủi của giáo viên. Khi cô cầm xấp bài đánh vào đầu cô bé rồi nói “Cô thất vọng về em” thì tôi phẫn nộ thật sự. Tại sao một cô giáo lại có hành động thiếu Sư phạm như thế. Dẫu vẫn biết giáo viên bồi dưỡng chịu nhiều áp lực. Nhưng các em đã cố gắng hết sức rồi, chúng ta, những người thầy hãy động viên để các em vượt qua cú sốc, đừng bao giờ vì bệnh thành tích mà làm tổn thương đến các em.
Tôi có người bạn dạy Toán, chuyên môn cứng nên năm nào cũng được Phòng Giáo dục chọn bồi dưỡng học sinh giỏi vòng tỉnh. Thế nhưng bạn thì lại chẳng vui chút nào vì những áp lực thành tích mà Phòng Giáo dục đã giao. Bạn kể năm nào có học sinh đạt thì vui vô cùng, bằng không thì lãnh đủ sự buồn tủi. Điều bạn sợ nhất là nghe câu nói của các cấp lãnh đạo: Các thầy cô bồi dưỡng thế nào mà không có học sinh giỏi vậy?
Thế mới thấy áp lực của những kì thi học sinh giỏi là như thế nào. Cả cô và trò đều áp lực. Cô thì mong kì thi thành công mĩ mãn, trò thì không muốn cô buồn. Vì thế mới có hiện tượng gần thi học trò gầy xọp và lo lắng. Nhiều em học giỏi, làm bài khi ôn rất tốt, thế nhưng vì áp lực quá lớn nên khi thi kết quả lại không như ý.
Một số giáo viên thì mong muốn bỏ kì thi học sinh giỏi khối THCS vì nó không chỉ gây áp lực cho giáo viên mà cả những học sinh của chúng ta nữa. Chưa kể các em học sinh thường học lệch, đuối các môn khác. Thử xem một học sinh được cử đi thi môn GDCD, Địa lí, Lịch sử, chắc chắn em đó sẽ học yếu đi nhiều môn khác.
Đây vẫn là câu chuyện muôn thuở “khổ lắm, biết rồi, nói mãi” trong giáo dục.
Tác giả: Loát Trần
Nguồn tin: Báo Dân trí