Hồ Thị Hương (SN 1992) tại thôn Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình Hương có 5 anh em thì có đến 3 người là nạn nhân của chất độc màu da cam mà em là một trong số đó. Bố mẹ của Hương là ông Hồ Trung (SN1954) và bà Phan Thị Hoa (SN 1956) đều là cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 186, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình.
Hồ Thị Hương (áo vàng) cùng bố và anh chị đều là nạn nhân của chất độc màu da cam |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trung và vợ thực hiện nhiệm vụ khôi phục vết thương chiến tranh tại mặt trận Quảng Trị. Bởi vậy hai vợ chồng đã bị nhiễm chất độc Dioxin khiến những đứa con của họ ra đời phải gánh chịu thiệt thòi với những khiếm khuyết trên cơ thể.
“Vợ chồng tôi đều nhập ngũ từ năm 1974 đến năm 1978 thì ra quân. Hồi đó chúng tôi ăn rau, măng rừng, ăn uống đều dùng nước suối có chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống nên bị nhiễm. Có 5 đứa con thì đến 3 đứa bị di chứng chất độc rồi, đứa anh cả thì bị tật ở chân, đi cứ khập khiễng rứa, mắt lại bị vảy cá. Đứa thứ ba thì bị câm điếc, còn Hương bị dị tật ở chân, sức khỏe yếu, dáng dấp đi lại cũng không được như người khác”, ông Trung buồn bã tâm sự.
Hồ Thị Hương là con thứ ba trong gia đình. So với các anh em mình, Hương sáng dạ hơn, mặc dù khiếm khuyết trên cơ thể, đi lại khó khăn nhưng Hương luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để học tập. Hương luôn mong ước trở thành một cô giáo và lý do đó đã đưa em đến với cánh cửa của Trường Đại học Quảng Bình chuyên ngành Sư phạm Lịch sử.
Với những nỗ lực để vượt qua nghịch cảnh, Hương đã có cho mình được tấm bằng cử nhân loại giỏi |
Ý thức được hoàn cảnh của bản thân và gia đình, Hương luôn cố gắng để học thật giỏi để có được một cái nghề tự nuôi sống bản thân cũng như giúp đỡ bố mẹ và anh chị trong nhà. Sau bốn năm nỗ lực hết mình trên giảng đường đại học, Hương đã giành được cho mình tấm bằng cử nhân loại Giỏi chuyên ngành Sư phạm Lịch sử. Sau khi ra trường, Hương được Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) nhận vào làm giáo viên hợp đồng.
“Là nạn nhân chất độc da cam nên em không được như mọi người, những ngày đầu đứng trên bục giảng, trước các em học sinh mà mình khiếm khuyết em cũng thấy mặc cảm lắm. Thời gian về dạy tại xã Hưng Trạch là quãng thời gian đẹp nhất với em từ trước đến giờ, nó là ước mơ từ nhỏ của em, nhưng tiếc là quá ngắn. Giờ hết hợp đồng rồi em cũng chưa xin được việc trở lại”, Hương tâm sự.
Một năm được giảng dạy tại Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch, Hương đã được sống hết mình với ước mơ làm cô giáo, Hương vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống, cố gắng để trở thành giáo viên dạy tốt. Những tưởng cuộc đời đã mỉm cười với những số phận thiệt thòi như em, thế nhưng sau một năm công tác, theo chủ trương tinh giảm biên chế, Hương bị chấm dứt hợp đồng và hiện vẫn đang ở nhà và chưa có việc làm.
Ước mơ của Hương là trở thành một cô giáo, thế nhưng ước mơ đó vẫn còn dang dở |
Nhìn tấm bằng đại học loại Giỏi cùng tập giáo án mà em đã gắn bó trong khoảng thời gian ngắn, đôi mắt cô gái bị chất độc màu da cam Hồ Thị Hương lại đượm buồn. Hương luôn khao khát được quay trở lại với bục giảng với các em học sinh và những trang giáo án và cũng để em có được một việc làm có thể nuôi sống bản thân, bù đắp lại những thiệt thòi mà Hương cũng như những người anh chị của mình đang phải gánh chịu từ hậu quả của chiến tranh.
“Làm một cô giáo là ước muốn của em, cũng là lý do bao năm qua em luôn cố gắng vươn lên trong nghịch cảnh của cuộc sống. Giờ em chỉ mong sao mình có thể quay lại với bục giảng, để thỏa niềm đam mê cũng như có điều kiện lo cho bản thân, gia đình cũng như làm một người có ích cho xã hội”, Hương bộc bạch.
Tác giả: Tiến Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí