Pháp luật

Tuyên án nghịch tử đuổi bố mẹ ra khỏi nhà vì mâu thuẫn đất đai

Chỉ vì mâu thuẫn trong tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Trần Ngọc Thành nảy sinh ý định đuổi bố mẹ đẻ của mình ra khỏi nhà để độc chiếm đất đai.

TAND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vừa mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Ngọc Thành (SN 1962, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về tội Hủy hoại tài sản, theo quy định tại khoản 1, Điều 143, BLHS.

Bị cáo Trần Ngọc Thành đuổi bố mẹ ra khỏi nhà vì mâu thuẫn đất đai

Đây là vụ án khiến dư luận xôn xao và bất bình, bởi bị hại trong vụ án lại chính là ông Trần Kim Long (SN 1936) và bà Lê Thị Dung (SN 1939), hai người thân sinh ra Thành.

Hồ sơ vụ án thể hiện, đầu năm 2014, chỉ vì mâu thuẫn tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Trần Ngọc Thành nảy sinh ý định đuổi bố mẹ đẻ của mình ra khỏi nhà.

Cụ thể, liên quan đến nguồn gốc thửa đất trước đây do hợp tác xã nông nghiệp Trung Hưng quản lý. Năm 1990, gia đình ông Long (trong đó có Thành) đã bao chiếm cải tạo và sử dụng thửa đất đến nay.

Ông Long và bà Dung là người kê khai nguồn gốc sử dụng, đứng tên trong biên bản xác định mốc giới và hồ sơ kỹ thuật thửa đất. Ông Long cũng là người nộp thuế sử dụng đất theo biên lai thu thuế.

Tại cơ quan điều tra, Trần Ngọc Thành khai năm 2012, Thành cho ông Long và bà Dung tháo dỡ căn nhà kho trên để làm nhà ở, Thành đưa cho ông Long 40 triệu đồng để mua tôn, bồn cầu để làm nhà nên số tài sản mà Thành đã hủy hoại nêu trên là của bị cáo.

Do có ý định đuổi bố mẹ ra khỏi mảnh đất trên, khoảng 9h sáng, ngày 10/6/2016, khi bà Dung đang ở nhà một mình, Thành cầm một con dao đe dọa đuổi mẹ mình ra khỏi nhà.

Quá sợ hãi, bà Dung đã tới công an phường trình báo, còn Thành ở nhà khóa trái cửa rồi dùng dao đập phá, hủy hoại 1 bồn cầu vệ sinh và 12 tấm tôn của nhà ông Long.

Cơ quan điều tra xác nhận, Thành đã hủy hoại của ông Long hơn 5,5 triệu đồng. Hành vi của Thành đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, gây mất trật tự trị an, xã hội nên cần phải xử lý theo pháp luật.

Sau quá trình mở tòa, HĐXX TAND thị xã Sơn Tây cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ nên cần có hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuy nhiên, do trình độ văn hóa thấp, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo mọi hành vi đã thực hiện… Bị cáo và người bị hại có quan hệ ruột thịt nên được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Theo đó, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thành 6 tháng tù cải tạo không giam giữ về tội danh trên và buộc bị cáo phải bồi thường cho bố mẹ mình số tiền là hơn 5,5 triệu đồng.

Tác giả: Tư Viễn

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP