Đi hấp tấp: “Số gian nan không giàu”?
Trước hết là tướng “đi” mà trong văn học Việt Nam qua một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Nhược Pháp ta thấy cô gái đi chùa Hương không dám đi mau vì “ngại chàng chê hấp tấp – số gian nan không giàu”. Còn dưới mắt các nhà nghiên cứu nhân tướng học, cách đi vội vã, vội vàng là biểu lộ của người có tính tình khá “nóng”, dễ “nổi giận” và hay “gây sự”.
Nếu “đi như chạy” càng khổ nữa, vì dễ làm “đổ tiền, đổ gạo” rơi vãi trên đường. Tới đây lưu ý bạn đọc cũng đừng có cái nhìn quá “một chiều” về những điều không tốt của tướng đi đó. Vì nếu người đàn ông có tướng đi nhanh như vậy, thậm chí lúc nào cũng như muốn “vượt lên” phía trước – đành rằng cũng khó mà “giàu lên” nhưng lại là người biết “nhìn xuống”, có lòng thương kẻ nghèo hơn mình và biết ứng xử nhanh nhẹn, ứng cơ, hợp lý đấy!
Đi là vậy, mà “đứng” cũng có tướng riêng. Nếu không đứng hiên ngang “quân tử” như dáng cây trúc thì cũng đừng cong lưng mềm quá như cây liễu. Còn ở khoảng “trung đạo” với dáng đứng như cây thông của Nguyễn Công Trứ cũng là khó lắm: “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!.
Cười nói, ăn nằm cũng có quý tướng và phúc tướng!
Ngược lại, người có giọng cười sảng khoái, vang vang, thân mình rung động không ngớt – là người rộng lượng, tự tin, biết chia sớt lợi lộc của mình cho các bạn đồng hành hoặc cộng sự. Còn cười tuy thành tiếng nhưng tiếng cười không chịu thoát ra khỏi cổ một cách thông thoáng thoải mái mà như bị “nghẹn” lại bên trong (có thanh mà không có vận) là người mang mâu thuẫn nội tâm, muốn chinh phục người khác nhưng lại e ngại và không thích giao du, nên dễ rơi vào trầm cảm.
Bây giờ về tướng “nói” – vốn cũng là đối tượng xem xét của nhân tướng học. Đang nói chuyện không chịu nhìn trực diện vào người đang đối thoại với mình, mà nhìn nghiêng nhìn xéo là tướng của người không được công minh, thiếu ngay thẳng. Khi nói hai bàn tay có thói quen xoa vào nhau, hoặc hai tay khoa lên khoa xuống không đúng lúc là tướng của người không thật lòng, đa nghi và rất khó hợp tác. Khi nói thường ngó trước dòm sau, hoặc nhìn qua phải qua trái một cách vô cớ, là người có mưu mô đang giấu kín.
Dựa vào những điều kiêng kỵ trong phong tục dân gian và các phép tắc lễ nghi phổ biến trong xã hội xưa đến nay – chúng tôi nêu ra vài điều kiêng kỵ cần biết:
– Đi về nhà chồng (trong lễ cưới), cô dâu không được ngoái đầu lại.
Đi vào đền chùa kiêng kỵ ăn mặc lố lăng |
– Đứng trước miếu vào giữa trưa đứng bóng (giờ Ngọ), kiêng kỵ chỉ trỏ, đùa giỡn, la hét ồn ào, sợ kẻ “khuất mặt khuất mày” quở trách.
– Ăn cơm lúc trời chạng vạng tối kiêng kỵ ngồi quay lưng vào ngọn đèn mà ăn, vì như thế bóng mình sẽ che tối mâm cơm, ông bà xưa bảo cách ăn như thế là “ăn bóng” không tốt.
– Kỵ không được đun nấu hoặc chế biến nhân sâm bằng nồi chảo bằng đồng hoặc các chất liệu kim loại khác (thường đun nhân sâm bằng than củi và nồi đất).
– Nằm hết sức kiêng cử việc chụp ảnh khi đang ngủ. Người ngoài đến thăm thấy gia chủ đang nằm ngủ không nên chụp hình vì đó là tư thế gần với hình ảnh của người đang “yên giấc ngàn thu”. Điều này càng tuyệt đối cấm kỵ trong những dịp sinh nhật, kỵ giỗ, hoặc tết nhất.
– Đặc biệt rất kiêng kỵ khi trên đầu giường có xà ngang ép đỉnh. Gặp trường hợp này phải tìm cách xê dịch thế nào cho đầu giường tránh khỏi thế “ép xuống” của xà ngang (gọi là Huyền trâm sát).
– Nằm cũng phải xem vị trí đặt giường sao cho tốt. Kiêng kỵ treo ảnh cưới bên phải của giường ngủ (vị thế Bạch Hổ) mà nên treo bên trái của giường (vị thế Thanh Long) mới tốt.
– Theo quan niệm phong thủy khá phổ biến trong dân gian, rất kỵ việc đặt gương nhỏ, gương lớn chiếu thẳng vào đầu giường. Vì những phản xạ do ánh sáng phát ra từ gương gây ảnh hưởng đến người đang ngủ, nhất là nếu nó chiếu thẳng vào mặt, vào mũi sẽ có tác dụng xấu đến các giấc mơ hoặc gây những xáo trộn bất ngờ trong giấc ngủ.
Bài: Tây Tạng – Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu (MTG)