Trao đổi với PV lúc 13g35 chiều 30-10, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay ông đã đọc thông tin vụ trưởng thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa tổ chức chặn xe đám cưới giữa đường để đòi nợ tiền đóng góp làm đường nông thôn mới trên Pháp Luật TP.HCM.
Nhiều cán bộ thôn Sơn Tây tham gia chặn xe đám cưới để đòi tiền làm đường. Ảnh do người dân cung cấp |
Ông Trà cho biết thêm do đang dự họp Quốc hội nên ông đã trao đổi, ủy quyền ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, chỉ đạo kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.
Chiều cùng ngày, liên lạc với Pháp Luật TP.HCM, bà Hồ Nguyên Thảo, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa, nói bà rất ngạc nhiên khi nghe thông tin trên do PV cung cấp. “Xã báo lên là gia đình bà Nguyễn Thị Thu có điều kiện nhưng chậm đóng. Tuy nhiên, ai lại chặn xe đám cưới để đòi tiền giữa đường như vậy! Đó là ngày hệ trọng, ngày vui của gia đình người ta mà! Làm như vậy là không chấp nhận được!”.
Bà Thảo cho biết đã phân công phó bí thư thường trực Huyện ủy Tây Hòa làm việc ngay với Đảng ủy xã Sơn Thành Tây trong chiều 30-10, để xử lý vụ việc trên. “Chiều nay, lãnh đạo xã Sơn Thành Tây sẽ làm việc với thôn Sơn Tây để chấn chỉnh ngay. Quan điểm của huyện là không bao che”- bà Thảo thông tin.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Quảng, Trưởng thôn Sơn Tây, nói ông đang xin ý kiến chi bộ thôn là có xin lỗi gia đình bà Thu hay không. “Chủ tịch xã bảo tôi về tổ chức xin lỗi gia đình bà Thu. Nếu xin lỗi người nhà người ta lấy lại danh dự nhưng chính quyền thôn đâu danh dự, mặt mũi gì để làm việc với dân. Nếu xin lỗi thì không còn danh dự gì của thôn cả! Chiều nay tôi hỏi xin ý kiến chi bộ là có xin lỗi không, chứ tôi tự ý xin lỗi là mang tội với dân trong thôn, họ chửi tôi chết!”- ông Quảng phân bua.
Theo trưởng thôn Sơn Tây, năm 2014, thôn làm đường giao thông dài 1.800 m theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng tiền làm đường. Gia đình bà Thu còn nợ 2 triệu đồng, là phần đóng góp của con trai bà là anh DTT (32 tuổi). Đầu năm 2017, anh T. đã cắt hộ khẩu, chuyển đi khỏi địa phương.
“Đường giao thông của thôn làm từ năm 2014, khi đó T. còn ở địa phương. Đến năm 2016, T. mới xin chuyển khẩu đi nơi khác sinh nhưng mức tiền đó đã quy định rồi. Dù T. có chuyển đi nơi khác nhưng chưa đóng tiền thì vẫn buộc phải thu. Gia đình xin miễn giảm sao được! Ở đây, thôn quy định, trẻ em mới sinh ra một tháng mà trong thời gian đang thu tiền làm đường thì vẫn phải đóng. Đó là tính theo nhân khẩu trong gia đình”- ông Quảng giải thích.
Đoàn xe đám cưới bị chặn lại để đòi tiền làm đường hơn một tiếng đồng hồ. Ảnh do người dân cung cấp |
Theo ông Quảng, dù cán bộ thôn đã vận động nhiều lần nhưng gia đình bà Thu không nộp số tiền trên. Do đó, ngày 17-10, khi gia đình bà Thu đang đưa xe rước dâu về nhà thì nhiều cán bộ thôn ra đường tổ chức chặn xe lại để bà Thu buộc phải đóng tiền làm đường.
Ông Quảng nói rằng biết chặn xe đám cưới đòi tiền giữa đường là… “không hợp lý lắm!”, “làm người dân mất danh dự nhưng đó là phương án cuối cùng, buộc phải làm để người ta biết”. “Phải cương quyết làm, mang tính chất răn đe thôi! Chặn xe thu tiền chứ đâu có gây gỗ đánh lộn gì đâu. Chặn đòi nợ rồi cho người ta đi chứ đâu chặn luôn!”- trưởng thôn phân bua.
Cũng theo ông Quảng, tham gia chặn xe đám cưới hôm đó, ngoài trưởng thôn còn có nhiều cán bộ khác như bà Thẩm Thị Linh, bí thư chi bộ thôn Sơn Tây, phó bí thư xã đoàn tham gia với tư cách đại diện, các hộ dân trong thôn…
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin sự việc này đến bạn đọc.
Tác giả: TẤN LỘC
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM