Giáo dục

Trường học dùng thuyền, xe tải 'chở' kiến thức tới nhà học sinh

Trẻ ở vùng khó khăn của Campuchia, Indonesia hay Bangladesh không được tới trường, giáo viên dùng phương tiện đưa bài đến tận nhà.

Theo BBC, để phục vụ những trẻ em không có điều kiện đi học, nhiều tổ chức, trường học thế giới đã tạo ra những lớp học đặc biệt trên xe tuk tuk, xe tải hay thuyền để mang kiến thức đến với các em, đồng thời giải thích tầm quan trọng của giáo dục, khuyến khích phụ huynh cho trẻ đến trường.

Xe tuk tuk chở sách

Đối với học sinh vùng nông thôn Campuchia, đến trường là việc khó khăn và đắt đỏ. Pring Mean (21 tuổi), tình nguyện viên người Campuchia, cho biết không cho trẻ đến trường là chuyện bình thường với người nghèo ở đất nước này. "Cha mẹ không hiểu giá trị của giáo dục cộng với thu nhập thấp khiến trẻ em phải đi làm hoặc ở nhà chăm em phụ bố mẹ. Đôi khi trẻ không được đến trường bắt nguồn từ việc bố mẹ nghiện ma túy hay rượu", Mean nói.

Tình nguyện viên đang giảng dạy cho học sinh vùng khó khăn tại Campuchia từ xe tuk tuk. Ảnh: BBC

Từ thực tế đó, Kum Cambodia, ngôi trường được Hiệp hội sáng kiến Na Uy ở Campuchia (NAPIC) thành lập năm 2012, quyết định dùng tuk tuk - loại xe phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, đưa sách đến với trẻ em vùng xa.

Họ xây dựng dự án "Book Book Tuk-Tuk" (tạm dịch là xe tuk tuk chở sách), cùng phối hợp với các trưởng làng và tình nguyện viên, giải thích cho các gia đình hiểu tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, như nâng cao nhận thức về HIV hay tệ đánh bạc.

Các tình nguyện viên có nhiệm vụ dạy trẻ học toán, vẽ, đọc, hát, kể cho họ nghe những câu chuyện cổ tích của Campuchia và thực hiện mục đích chính của dự án là khuyến khích phụ huynh cho con em đến trường.

Seavsean, 10 tuổi, từng sống dưới một tấm bạt nylon cùng cha mẹ và em trai trong một ngôi làng thuộc tỉnh Kandal, đã được đi học sau khi cha em tham gia chương trình dành cho bậc phụ huynh của "Book Book Tuk-Tuk".

Từ một người nghiện rượu, ham mê cờ bạc đến nỗi mất hết gia tài, khiến vợ đêm đêm phải lẻn đi trộm gạo nuôi con, cha em đã tìm được việc làm, giúp gia đình được sống trong ngôi nhà tử tế và hiểu được tầm quan trọng của việc cho con đến trường. Hiện, Seavsean theo học tại chính ngôi trường phát động dự án.

Dạy tiếng Anh bằng video trên xe tải

Tại Indonesia, trẻ em ở các vùng có thu nhập thấp, Internet đắt đỏ và không ổn định, ít hoặc không được tiếp cận với môn tiếng Anh. Vì vậy, Nhà xuất bản Đại học Oxford, một tập đoàn xe hơi và một mạng lưới dạy học của Mỹ đã kết hợp để tạo ra những chiếc xe tải có công nghệ vệ tinh, kết nối học sinh Indonesia với những giáo viên ở Mỹ.

Lớp học trên xe tải ở Indonesia. Ảnh: BBC

Những chiếc xe này được điều tới các cộng đồng có thu nhập thấp ở Indonesia. Bên hông xe là màn hình tivi lớn có trang bị mái che. Học sinh được học chương trình của Nhà xuất bản Đại học Oxford từ chính một giáo viên đang đứng lớp tại Mỹ.

Kể từ khi thành lập, dự án có tên TeachCast này đã đến với hơn 1.000 học sinh và có kế hoạch mở rộng đội xe hiện có là 15 xe tải lên 500 chiếc, mỗi xe tải dạy được 150 học sinh mỗi ngày. Điều này góp phần cải thiện mức độ thành thạo tiếng Anh của học sinh các vùng khó khăn ở Indonesia.

Trường học nổi trên thuyền

Ở Bangladesh, nơi thường xuyên đối mặt với lũ lụt, việc đi học trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các lớp học trên xe như ở Campuchia hay Indonesia không phải lúc nào cũng là lựa chọn khả thi. Hiện đã có khoảng 4 triệu trẻ em nước này bỏ học.

Bên trong lớp học trên thuyền ở Bangladesh. Ảnh: BBC

Mohammed Rezwan, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha, chia sẻ cơ hội học tập với những người nghèo đã là rất hạn chế chứ chưa kể đến những ảnh hưởng của lũ lụt khiến học sinh không thể đến trường.

Gia đình Rezwan sở hữu một chiếc thuyền nhỏ và anh ta có thể tới trường trong suốt mùa mưa. Từ đó, Rezman đã có ý tưởng tạo ra những "ngôi trường nổi". "Tôi nghĩ trẻ em không thể đến trường thì trường sẽ đến với các em", ông nói về ý tưởng của mình.

Hiện tổ chức này có 22 ngôi trường nổi và dạy cho gần 2.000 trẻ em đến từ các ngôi làng dọc bờ sông mỗi ngày. Mỗi thuyền được trang bị điện từ năng lượng mặt trời, máy tính xách tay và mỗi lớp học có thể phục vụ 30 học sinh.

Suraiya Khatun (7 tuổi), đến từ Pabna, tỏ ra thích thú với hình thức học tập di động này. "Khi lớn, em muốn trở thành giáo viên trên trường nổi để dạy học cho trẻ em trong làng", cô bé nói.

Tác giả: Dương Tâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP